Tiềm năng hợp tác công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Hàn Quốc

(HQ Online) - Việt Nam đang có hơn 300 khu công nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nhưng hàng năm các tập đoàn lớn phải nhập khẩu hàng trăm tỷ USD cho nhu cầu về linh kiện, công nghiệp chế tạo.
Chỉ 300 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng đa quốc gia
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần 9 giải pháp để hỗ trợ
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ lấy lại đà “tăng tốc”
HANSIBA tại buổi làm việc với Hiệp hội điện tử và Hiệp hội hợp tác công nghiệp ô tô Hàn Quốc.
Đại diện HANSIBA tại buổi làm việc với Hiệp hội Điện tử và Hiệp hội Hợp tác công nghiệp ô tô Hàn Quốc.

Tại chuyến công tác làm việc với các doanh nghiệp tại Hàn Quốc, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) cho biết, Việt Nam là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư quốc tế, từ đó thành lập các tổ hợp sản xuất tại Việt Nam, hình thành các chuỗi sản xuất và cung ứng ra toàn thế giới.

“Tuy nhiên, các nhà sản xuất linh kiện tại Việt Nam, kể cả doanh nghiệp nước ngoài và trong nước, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, dẫn tới việc các tập đoàn lớn phải nhập khẩu hàng trăm tỷ USD cho nhu cầu về linh kiện sản xuất điện tử, điện thoại, linh kiện ô tô, công nghiệp chế tạo khác… mỗi năm”, ông Hoàng nêu rõ.

Do đó, nhu cầu về hợp tác, cùng phát triển với các đối tác lớn cũng như kêu gọi đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam đang rất lớn. Trong đó, Hàn Quốc được xem là đối tác đầy tiềm năng do đã có nhiều doanh nghiệp lớn đã đến đặt nhà máy tại Việt Nam.

Ông Park Chung-won, đại diện Hiệp hội điện tử Hàn Quốc (KEA) chia sẻ, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã có tổ hợp sản xuất tại Việt Nam. Vì thế, các doanh nghiệp vệ tinh sản xuất và cung ứng linh kiện sản phẩm cho các tập đoàn này cũng như nhiều doanh nghiệp khác của Hàn Quốc đang ngày càng có nhu cầu mở rộng sản xuất tại Việt Nam, nhất là sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.

Vị này cho rằng, nhu cầu lớn nên các doanh nghiệp sẽ cần mặt bằng sản xuất đạt tiêu chuẩn và sự hỗ trợ từ các đối tác của Việt Nam.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng cho biết, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nói chung và TP Hà Nội nói riêng đều mong muốn liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp Hàn Quốc để sản xuất, nội địa hóa sản phẩm nhằm chiếm lĩnh thị trường còn nhiều tiềm năng trong lĩnh vực linh kiện công nghiệp hỗ trợ.

Chủ tịch HANSIBA cho biết, các doanh nghiệp Hàn Quốc khi đầu tư sản xuất tại chuỗi các khu công nghiệp chuyên sâu thế hệ mới, nhất là Khu công nghiệp HANSSIP do Tập đoàn N&G đầu tư phát triển, sẽ được hỗ trợ tối đa về mặt bằng, nhà xưởng sản xuất, hỗ trợ tư vấn miễn phí các thủ tục đầu tư và các loại giấy phép, có thể được áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định, hỗ trợ tuyển dụng và đào tạo lao động, ưu đãi về nhà ở cho chuyên gia và công nhân…

Ngoài ra, phía HANSIBA cho biết đã làm việc với Hiệp hội Thương mại quốc tế KITA, Công ty Tài chính Hana Financial Investment của Hàn Quốc để trao đổi nhiều biện pháp về tài chính, công nghệ, đào tạo lao động… giúp các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam hợp tác liên kết sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao, để trước mắt cung cấp ngay theo nhu cầu của các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang đầu tư sản xuất tại Việt Nam, nhưng về lâu dài sẽ nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia hợp tác đầu tư sản xuất với các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Được biết, tất cả khu công nghiệp thế hệ mới và hàng trăm doanh nghiệp thuộc HANSIBA và Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đều hướng đến 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Đây được coi như “giấy thông hành” để doanh nghiệp Việt Nam hợp tác trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều