Doanh nghiệp nước ngoài mong Việt Nam hành động ngay để không tụt hậu
Bốn hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam gồm: Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (Kocham) và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN vừa có kiến nghị gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Phó thủ tướng về đề xuất chiến lược “Phòng ngừa và kiểm soát đại dịch ở từng khu vực” nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn trong trạng thái chống dịch mới.
Trong thư, giới đầu tư nước ngoài đã thẳng thắn nhìn nhận: “Điều quan trọng là Việt Nam phải hành động ngay bây giờ để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đồng thời không bị tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế”.
Vì thế, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam nhấn mạnh luôn cam kết hỗ trợ “mục tiêu kép” của Chính phủ cũng như ủng hộ định hướng chính sách chiến lược của Thủ tướng là thích ứng để “sống chung với vi rút một cách an toàn”, để tái mở cửa nền kinh tế, tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi và thiết lập trạng thái “bình thường mới”.
"Chúng tôi lạc quan về tương lai của Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng vào sức mạnh và khả năng phục hồi của nhân dân Việt Nam - và nền kinh tế Việt Nam. Chúng tôi cam kết và đầu tư vào tương lai với Việt Nam", thư kiến nghị nêu rõ.
Khu vực FDI là động lực chính trong tăng trưởng xuất khẩu của Bình Dương. Ảnh: Tiểu My |
Tuy nhiên, theo 4 hiệp hội, doanh nghiệp cần có lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa trở lại ngay từ bây giờ.
Đáng lưu ý, khảo sát mà 4 hiệp hội này đã thực hiện cho thấy một thực tế không vui, khi ít nhất 20% thành viên sản xuất đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang một quốc gia khác, nhiều thành viên khác thì đang băn khoăn về vấn đề chuyển đổi sản xuất, bởi một khi sản xuất thay đổi, rất khó để quay trở lại, đặc biệt là khi dây chuyền sản xuất đã được mở rộng ở nơi khác.
Hơn nữa, cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam còn nhận định, Việt Nam đang bỏ lỡ những cơ hội đầu tư có thể không quay trở lại. Đầu tư sẽ không tăng nếu không có kế hoạch rõ ràng để tái mở cửa và phục hồi, các nhà đầu tư tiềm năng mới không thể đến nếu không có các chính sách hợp lý cho việc nhập cảnh của người nước ngoài.
“Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn để tận dụng đa dạng hóa chuỗi cung ứng đi từ Trung Quốc nếu không thể chứng minh đây là một sự thay thế đáng tin cậy. Để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, kể cả so với Malaysia, Indonesia và Thái Lan, Việt Nam phải hành động ngay từ bây giờ”, các hiệp hội nhấn mạnh.
Cùng với vấn đề khôi phục kinh tế, các hiệp hội cũng khẳng định, vắc xin là yếu tố then chốt và là chìa khóa để cho phép tái mở cửa an toàn và phục hồi kinh tế. Do đó, cần ưu tiên tiêm cho một số nhóm đối tượng như nhân viên y tế, người cao tuổi, người có bệnh nền, nhân viên sản xuất, giao nhận... cho cả liều đầu tiên lẫn liều thứ hai.
Các hiệp hội cũng thống nhất cần phải có một ứng dụng hoặc hệ thống theo dõi được điều phối như thế nào giữa các bộ/ngành và các tỉnh để cho phép việc nhận dạng, tiếp cận, đi lại một cách nhất quán.
Hệ thống quản lý hành chính cần chấp nhận nhiều hơn các tài liệu kỹ thuật số của doanh nghiệp, vừa tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong thời gian dịch bệnh, vừa cho phép đổi mới và tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số.
"Chúng tôi hy vọng rằng các thủ tục hải quan có thể được đẩy nhanh vừa để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu vào sản xuất và xuất khẩu, vừa để đảm bảo các sản phẩm dược phẩm và thiết bị y tế cứu sinh được đến kịp thời", kiến nghị cho hay.
Bên cạnh đó, các hiệp hội cũng nhìn nhận, an ninh lương thực là tối quan trọng nhưng đã bị gián đoạn do giãn cách xã hội, nên cần xem các nhà hàng là một đối tác quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực cũng như việc làm.
Ngoài ra, 4 hiệp hội cũng cho rằng cần phải có sự phối hợp các chính sách trên toàn quốc, bao gồm vận chuyển, sẵn sàng các xét nghiệm nhanh và các chính sách để cô lập và loại bỏ F0 nhanh chóng để đảm bảo an toàn cho người lao động và giảm thiểu tác động đến các hoạt động. Chính phủ nên nên lên kế hoạch tái mở cửa an toàn cho hoạt động du lịch.
Ý kiến bạn đọc