Ngành Hải quan đã nỗ lực tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Hàn Quốc
Xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin của Hàn Quốc tăng mạnh Hàn Quốc đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam (Infographics) 7 nhóm hàng xuất nhập khẩu tỷ đô giữa Việt Nam và Hàn Quốc |
Đây là nhận định của ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) khi trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan tại Diễn đàn Hải quan – Doanh nghiệp năm 2024 với chủ đề: “10 năm phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp” do Tạp chí Hải quan và Ban Cải cách hiện đại hoá hải quan phối hợp tổ chức vào ngày 10/9/2024.
Ông Hong Sun, Chủ tịch KoCham trao đổi với Tạp chí Hải quan bên lề Diễn đàn. Ảnh: Thu Hiền |
Theo đó, ông Hong Sun đánh giá cao những bước tiến trong quan hệ giữa Tổng cục Hải quan và các doanh nghiệp, đặc biệt là sự hợp tác chặt chẽ, tích cực trao đổi thông qua các cuộc đối thoại thường xuyên. Qua đó, cơ quan Hải quan đã lắng nghe phản hồi từ các doanh nghiệp để cải thiện các chính sách và quy trình, thủ tục phù hợp.
Ông Hong Sun nêu rõ, các doanh nghiệp Hàn Quốc cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc với Hải quan Việt Nam. Hơn nữa, Hải quan Việt Nam đã và đang nỗ lực rất lớn để cải thiện chất lượng dịch vụ, đầu tư cơ sở vật chất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Cũng theo ông Hong Sun, nhờ quá trình hiện đại hoá, chuyển đổi số trong toàn Ngành, nhiều thủ tục hải quan hiện nay đã trở nên đơn giản và hiệu quả hơn so với trước đây.
Chủ tịch KoCham cho rằng, mặc dù còn có những thay đổi về chính sách và các quy định cần tiếp tục được cập nhật nhưng các cơ quan chức năng, bao gồm cả Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan, đã có sự phản hồi kịp thời và giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp một cách minh bạch.
Từ vấn đề này, để mối quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp có những cải thiện hơn trong thời gian tới, ông Hong Sun đề cập đến tầm quan trọng của việc duy trì và nâng cao hiệu quả cơ chế trao đổi giữa 2 bên, chẳng hạn như có một đường dây nóng giữa doanh nghiệp và cơ quan Hải quan. Điều này giúp xử lý nhanh chóng các vấn đề phát sinh, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và phụ thuộc nhiều vào quá trình nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm.
Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp được vinh danh vì đã có thành tích xuất sắc trong phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp. Ảnh: Thái Bình |
Đề xuất về những cải thiện liên quan đến công tác quản lý, thủ tục xuất nhập khẩu nói chung, ông Hong Sun nhấn mạnh vai trò của công nghệ cao. Chủ tịch KoCham kỳ vọng các cơ quan liên quan, trong đó có Hải quan Việt Nam sẽ áp dụng mạnh mẽ các công nghệ tiên tiến, áp dụng trí tuệ nhân tạo để cải thiện hiệu quả công tác quản lý và xử lý thông quan hàng hóa. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu những khó khăn mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Ông Hong Sun bày tỏ sự tin tưởng, với những nỗ lực không ngừng từ phía Hải quan Việt Nam, trong tương lai gần, các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ tiếp tục được hỗ trợ một cách hiệu quả hơn, từ đó góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ.
Hiện nay, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ); là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Trung Quốc). 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại hai nước đạt gần 39 tỷ USD. Hai nước đang hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch 150 tỷ USD vào năm 2030. Theo Cơ quan Xúc tiến Thương mại Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), Hàn Quốc đang là đối tác số 1 của Việt Nam về đầu tư trực tiếp nước ngoài; đứng thứ 2 trong vai trò nhà tài trợ ODA song phương cho Việt Nam. Tính lũy kế đến tháng 6 năm nay, tổng đầu tư trực tiếp từ Hàn Quốc vào Việt Nam đạt gần 87,5 tỷ USD với hơn 10.000 dự án, trong đó, đầu tư vào công nghiệp chế biến chế tạo chiếm gần 3/4 tổng vốn đăng ký và gần 1/2 tổng số dự án. |
Ý kiến bạn đọc