Doanh nghiệp cần chủ động khi kinh tế 2023 còn nhiều "sóng gió"
Diễn đàn kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp "vượt sóng". |
Khu vực doanh nghiệp vẫn bị tổn thương nghiêm trọng
Chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp “vượt sóng” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào chiều 17/11, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, sự phục hồi ấn tượng của Việt Nam sau đại dịch Covid-19 được các tổ chức quốc tế và truyền thông nước ngoài ghi nhận.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Quang Phòng, dù khu vực doanh nghiệp đông về số lượng, nhưng quy mô và tiềm lực không mạnh, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Thống kê cho thấy bình quân một tháng có 18,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, thì có 12,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
“Trong nền kinh tế cứ 10 doanh nghiệp gia nhập mới và quay trở lại thì có 7 doanh nghiệp tạm thời hoặc vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường. Điều này phản ánh khu vực doanh nghiệp vẫn bị tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước”, đại diện lãnh đạo VCCI cho hay.
Ông Hoàng Quang Phòng cũng nêu, mục tiêu của VCCI là doanh nghiệp tư nhân đăng ký chính thức theo Luật Doanh nghiệp đến năm 2025 có đóng góp 15% GDP, năm 2030 có đóng góp 20% của GDP. Hiện tại, con số đóng góp mới khoảng 9% GDP. Do đó, VCCI đề nghị các doanh nghiệp nỗ lực năng lực tự chủ tự cường, tự lập, nâng cao tính kết nối của doanh nghiệp tư nhân trong tham gia chuỗi sản xuất.
Đánh giá về nền kinh tế năm 2023, ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp nhìn nhận, quý 4/2022 và sang năm 2023, nền kinh tế Việt Nam sẽ có những ảnh hưởng do tác động từ các nước khác trên thế giới. Đặc biệt, khi xảy ra cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, đã tác động rất lớn đến nền kinh tế.
Vì thế, theo ông Long, Chính phủ đã có nhiều cuộc họp để đưa ra đối sách cho tương lai của nền kinh tế cuối năm 2022 và năm 2023, tập trung vào hai chính sách quan trọng là chính sách tiền tệ và tài khóa.
Cần tự lực, chủ động trước “sóng gió”
Trao đổi tại diễn đàn, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách nhận định, khi có những khó khăn, bất ổn cần phải đương đầu thì những biện pháp cải cách là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Việt, những cải cách không nên có sự can thiệp đột ngột, đặc biệt là các can thiệp có tính chất phi thị trường. Do đó, không có gì khác hơn là phải dựa vào các thông lệ quốc tế, những hiệp định thương mại, hiệp định đầu tư Việt Nam đã ký kết.
Cùng với đó, với các rủi ro liên quan đến chi phí, ông Việt chỉ ra, bên cạnh việc cần chuẩn bị những cơ chế, cách thức quản trị để tiết giảm chi phí, doanh nghiệp cũng cần phối hợp với các bộ ngành, địa phương và cơ quan trung ương để nghiên cứu cơ chế nhằm giảm các loại chi phí không chính thức.
"Bản thân doanh nghiệp cũng cần duy trì tinh thần khởi sự kinh doanh, phát huy tinh thần tự chủ, tự lực bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước để duy trì sự chủ động trước các “sóng gió”. Đồng thời, các cơ quan hoạch định chính sách, quản lý cũng cần hành xử theo thị trường, dựa trên cơ chế thị trường để có thể hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp", TS. Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo kinh nghiệm, những doanh nghiệp có áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số khi gặp khủng hoảng, họ cũng suy yếu nhưng có khả năng phục hồi nhanh hơn, và sau khủng hoảng họ đã lấy lại tốc độ tăng trưởng với tỷ suất lợi nhuận trên tổng doanh thu cao hơn.
Theo ông Đường, các doanh nghiệp cần có chuyển đổi số để phục hồi và phát triển, trong đó công nghệ không quan trọng mà phải ra được bài toán đúng, khi đó công nghệ mới giải quyết được vấn đề.
Đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt tăng cường đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, cũng như thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, giảm bớt áp lực đối với tiền tệ, tín dụng từ hệ thống ngân hàng; đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư… giúp cải thiện cung - cầu ngoại tệ cũng như giảm áp lực đối với tỷ giá.
Ý kiến bạn đọc