Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần “bà đỡ” để kết nối thị trường quốc tế
Nhưng theo các chuyên gia, để tạo sự gắn kết này, ngoài việc nâng cao công nghệ, năng lực sản xuất của mình, doanh nghiệp chế biến chế tạo trong nước đang cần hơn nữa sự hỗ trợ của nhà nước trong vai trò "bà đỡ" để kết nối, hỗ trợ vốn, công nghệ...
Gian hàng triển lãm của Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA). Ảnh: H.Dịu |
Chia sẻ tại Triển lãm quốc tế lần thứ 3 về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam - VIMEXPO 2022, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) cho hay, ngành công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo tại Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đang nỗ lực tận dụng thời cơ trong bối cảnh Việt Nam đang là điểm đến thu hút đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực ASEAN. Từ đó, thúc đẩy sự hợp tác, nghiên cứu mở rộng đầu tư, sản xuất và kinh doanh với đối tác quốc tế thông qua những kỳ triển lãm hội chợ quy mô như VIMEXPO.
Theo ông Matsumoto Izumi, Bí thư, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp liên quan tới ngành chế biến chế tạo trên thế giới bao gồm cả doanh nghiệp Nhật Bản đang tập trung sự chú ý vào Việt Nam. Tại khảo sát của hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, đối với các doanh nghiệp chế biến chế tạo Nhật Bản, Việt Nam là điểm đến thu hút nhất trong khối ASEAN để nghiên cứu đầu tư mới cũng như mở rộng kinh doanh.
Về giải pháp để kết nối với đối tác quốc tế, ông Vũ Hồng Quân, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Công nghệ QMS cho hay, việc nâng cao công nghệ và tích hợp công nghệ, quản trị trong doanh nghiệp là rất quan trọng, bởi đây là nhân tố quyết định năng lực, tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp Việt. Do đó, Công ty hiện đang làm việc với nhiều đối tác quốc tế từ Singapore, Anh, Australia, Mỹ... trong việc xây dựng các tiêu chuẩn, tích hợp công nghệ cho doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Hữu Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Intech cho rằng, công nghệ là yếu tố quyết định tới việc kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với các đối tác nước ngoài. Nhưng cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải nâng cao năng lực nội tại, nâng cao tính chuyên nghiệp, trình độ quản lý cũng như tạo sự cạnh tranh về giá thành…
Lãnh đạo Tập đoàn Intech nhấn mạnh, hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ liên quan đến phát triển công nghiệp, chế biến chế tạo là khá đầy đủ, nhưng cần thêm nhiều các sự kiện triển lãm, giới thiệu sản phẩm để doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, kết nối với nhau. Bên cạnh đó, các chính sách về vốn vay, ưu đãi trong nghiên cứu phát triển công nghệ mới cần triển khai mạnh mẽ hơn.
Theo ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia phụ trách Việt Nam, Cam-pu-chia và Lào của Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC, việc hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp phụ trợ dịch chuyển từ sản xuất chi phí thấp sang sản xuất phân khúc sản phẩm giá trị cao hơn và tăng cường tiếp cận với công nghệ số sẽ giúp thúc đẩy hiệu quả sản xuất và nâng cao sự kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài và chuỗi giá trị toàn cầu. Từ đó sẽ nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương và thúc đẩy Việt Nam tiến lên trên con đường phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ý kiến bạn đọc