Doanh nghiệp bảo hiểm đối mặt với thách thức gia tăng

(HQ Online) - Việc kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm đã không còn dễ dàng như trước khi thu nhập của khách hàng bị suy giảm do tác động của dịch Covid-19. Lợi nhuận cũng sẽ sụt giảm khi chi phí bồi thường sẽ tăng lên trước áp lực của lạm phát.
SCB đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng từ bán bảo hiểm
Số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế tăng mạnh
“Ép” mua bảo hiểm: Ngân hàng lợi lớn, khách hàng "cắn răng"
Khách hàng luôn được ngân hàng khuyến khích, thậm chí là bắt buộc mua bảo hiểm khi vay vốn. Ảnh: Internet
Mức tăng trưởng của ngành bảo hiểm sẽ chậm lại trước những tác động của dịch Covid-19. Ảnh: Internet

Kênh số hóa dần thay thế kênh truyền thống

Báo cáo vừa được Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho hay, ngành bảo hiểm tại Việt Nam đã có mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 bất chấp thị trường bảo hiểm toàn cầu chịu ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch Covid-19 khiến chuỗi tăng trưởng liên tục suốt 10 năm qua bị đứt gãy. Theo đó, mức chi trả quyền lợi bảo hiểm trong năm 2020 đạt tới 48.223 tỷ đồng, tăng 11,4% so với năm 2019, đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 460.457 tỷ đồng, tăng 22%.

“Ngành bảo hiểm Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò như một “bộ giảm xóc” trước những rủi ro và tác động bất ngờ do đại dịch Covid-19 gây ra” – Vietnam Report đánh giá.

Trong quý 1/2021, 75% số doanh nghiệp bảo hiểm tham gia khảo sát của Vietnam Report đã ghi nhận kết quả tích cực. Đáng chú ý, đã có nhiều thay đổi về cơ cấu doanh thu giữa các kênh phân phối kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Một lượng lớn khách hàng đã chuyển sang sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số và rất ít người sẽ quay lại thói quen trước đây của họ.

Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, có 69,2% số doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng doanh thu từ kênh dịch vụ kỹ thuật số, trong khi kênh phân phối qua ngân hàng (bancassurance) có mức tăng thấp hơn khi chỉ có 66,7% số doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng, còn kênh đại lý bị chững lại tại 46,7% số doanh nghiệp bảo hiểm. Số liệu thống kê cho thấy, so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, doanh thu từ kênh bancassurance hiện đã xấp xỉ doanh thu từ kênh đại lý.

Sự đa dạng trong kênh phân phối là động lực gia tăng của ngành bảo hiểm. Cùng với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, các kênh phân phối và dịch vụ kỹ thuật số sẽ dần thay thế các kênh truyền thống. Hiện 88,2% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report đang triển khai chương trình chuyển đổi số, trong khi số còn lại đang có kế hoạch triển khai trong thời gian tới

Thách thức gia tăng

Dù đã có sự lội ngược dòng khá ngoạn mục, song kể từ khi Việt Nam bước vào giai đoạn bùng phát dịch thứ tư liên quan đến biến chủng virus với những diễn biến phức tạp và khó lường, các doanh nghiệp bảo hiểm đã trở nên thận trọng hơn về triển vọng kinh doanh những tháng cuối năm. Chỉ có 52,9% doanh nghiệp bảo hiểm tỏ ra lạc quan với kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm 2021, giảm đáng kể so với mức 90,5% hồi năm ngoái.

Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng kinh doanh khó khăn hơn tăng mạnh từ 4,8% lên 35,3%. Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, mặc dù đã có vắc xin phòng ngừa Covid-19, nhưng thử thách phía trước vẫn rất khó lường nên khó có thể đưa ra dự báo cụ thể về mức tăng trưởng năm 2021 của ngành nói chung.

Sự cạnh tranh trong ngành ngày càng gia tăng; mức rủi ro từ yếu tố thiên tai, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh; thu nhập của khách hàng giảm sút và vấn đề trục lợi bảo hiểm là những thách thức lớn mà doanh nghiệp bảo hiểm phải đối mặt trong thời gian tới. Trong đó, thách thức từ sự giảm sút thu nhập của khách hàng đã tăng từ 38,1% trong năm 2021 lên 70,6% trong năm nay. Theo Tổng cục Thống kê, khoảng 22,2 triệu người lao động bị giảm thu nhập do tác động của dịch Covid-19 trong năm 2020. Riêng quý 1/2021, con số này lên tới 6,5 triệu người. Điều này cho thấy túi tiền của khách hàng thực sự trở nên eo hẹp hơn rất nhiều so với năm trước.

Thêm vào đó, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu năm 2021 dự báo tăng khá mạnh, theo đánh giá của một số chuyên gia, áp lực lạm phát tại Việt Nam cũng bắt đầu “nhen nhóm” do ảnh hưởng bởi độ trễ của lượng cung tiền. Lạm phát có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận ngành bảo hiểm thông qua 4 kênh: yêu cầu bồi thường, chi phí, thu nhập đầu tư và bảng cân đối kế toán. Trong đó, kênh yêu cầu bối thường là chịu tác động mạnh nhất do lạm phát dẫn đến chi phí bồi thường cao hơn, làm xói mòn lợi nhuận. Sự gia tăng lạm phát đột ngột thì tác động càng nghiêm trọng do phí bảo hiểm không thể điều chỉnh được.

Trong khi đó, thời gian gần đây, kênh bancassurance – vốn được coi là cánh tay nối dài giúp các doanh nghiệp bảo hiểm mở rộng doanh thu, đã liên tục bị cơ quan quản lý nhắc nhở. Cụ thể, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của các ngân hàng, phối hợp với ngân hàng kịp thời phát hiện và xử lý trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm. NHNN cũng đã có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng chấn chỉnh hoạt động đại lý bảo hiểm tại đơn vị, bảo đảm phê duyệt hồ sơ, giải ngân đúng quy định. Do đó, dự báo tăng trưởng doanh thu bảo hiểm qua kênh này có thể sẽ bị tác động một phần.

Một số chuyên gia cũng đánh giá bancassurance đang làm méo mó mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng. Trước đó, nhiều khách hàng đã phản ánh về tình trạng ngân hàng liên tục mời chào các gói bảo hiểm. Thậm chí, nếu không mua bảo hiểm, khách hàng sẽ phải chịu lãi suất vay ở mức cao.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

SHB tối ưu phương thức xác thực cho khách hàng doanh nghiệp trên Internet Banking

SHB tối ưu phương thức xác thực cho khách hàng doanh nghiệp trên Internet Banking

(HQ Online) - Với mong muốn tăng cường tính an toàn bảo mật giao dịch cho khách hàng và tuân thủ quy định của pháp luật, từ ngày 15/05/2024, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) tiến hành điều chỉnh, tối ưu phương thức xác thực giao dịch hiện có cho doanh nghiệp khi sử dụng SHB Corporate Online.

Đọc nhiều