Điều kiện miễn thuế đối với nhập hàng từ kho ngoại quan vào nội địa để sản xuất XK
Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Thuế XK, thuế NK: “Khu phi thuế quan là khu vực kinh tế nằm trong lãnh thổ Việt Nam, được thành lập theo quy định của pháp luật, có ranh giới địa lý xác định, lãnh thổ ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giảm sát, kiểm soát hải quan của cơ quan Hải quan và các cơ quan có liên quan đối với hàng hóa XNK và phương tiện, hành khách XNC; quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế quan với bên ngoài là quan hệ XNK”.
Khoản 4 Điều 3 Luật Quản lý ngoại thương quy định: “Khu vực hải quan riêng là khu vực địa lý xác định trên lãnh thổ Việt Nam được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; có quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa với phần lãnh thổ còn lại và nước ngoài là quan hệ XNK”.
Khoản 2 Điều 28 Luật Thương mại quy định “NK hàng hóa là việc hàng hoá được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật”.
Công chức Chi cục Hải quan Hà Nam (Cục Hải quan Hà Nam Ninh) kiểm tra hàng hóa tại kho ngoại quan. Ảnh: H.Nụ |
Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP quy định “Hàng hoá NK để sản xuất hàng hoá XK được miễn thuế NK theo quy định tại khoản 7 Điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK”.
Cơ sở để xác định hàng hóa được miễn thuế thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 18/2021/ND-CP.
Điều 10 Nghị định 68/2016/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 67/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện công nhận kho ngoại quan: “Khu vực đề nghị công nhận kho ngoại quan phải nằm trong các khu vực theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Hải quan; khu vực đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước; địa bàn ưu đãi đầu tư; khu vực phục vụ hoạt động XK hàng hóa nông, lâm, thủy sản sản xuất tập trung.
Kho ngoại quan được ngăn cách với khu vực xung quanh bằng hệ thống tường rào, đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan Hải quan, trừ kho nằm trong khu vực cửa khẩu, cảng đã có tường rào ngăn cách biệt lập với khu vực xung quanh.
Bảo đảm điều kiện làm việc cho cơ quan Hải quan như nơi làm việc, nơi kiểm tra hàng hóa, nơi lắp đặt trang thiết bị kiểm tra hải quan, kho chứa tang vật vi phạm theo quy định của Bộ Tài chính.
Kho ngoại quan phải có diện tích tối thiểu 5.000 m2 (bao gồm nhà kho, bãi và các công trình phụ trợ), trong đó khu vực kho chứa hàng phải có diện tích từ 1.000 m2 trở lên. Đối với kho ngoại quan chuyên dùng để lưu giữ một hoặc một số chủng loại hàng hóa có yêu cầu bảo quản đặc biệt thì phải có diện tích tối thiểu 1.000 m2 hoặc thể tích chứa hàng tối thiểu 1.000 m3. Riêng đối với kho ngoại quan nằm trong khu vực cảng phải có diện tích tối thiểu 1.000 m2. Bãi ngoại quan chuyên dùng phải có diện tích tối thiểu 10.000 m2, không yêu cầu diện tích kho.
Có phần mềm đáp ứng các tiêu chí sau: Quản lý hàng hóa nhập, xuất, lưu giữ, tồn trong kho ngoại quan theo từng mặt hàng, đối tượng mua hàng, tờ khai hải quan; đáp ứng yêu cầu sao lưu, kết xuất dữ liệu để phục vụ công tác báo cáo, thống kê, lưu trữ và được nối mạng trực tiếp với cơ quan Hải quan quản lý.
Có hệ thống ca mê ra đáp ứng các tiêu chí sau: Quan sát được các vị trí trong kho ngoại quan. Hình ảnh quan sát được vào tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ); dữ liệu về hình ảnh ca mê ra được lưu giữ tối thiểu 12 tháng; hệ thống ca mê ra được kết nối trực tiếp với cơ quan Hải quan quản lý.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành chuẩn trao đổi dữ liệu giữa cơ quan hải quan và DN kinh doanh kho ngoại quan về phần mềm quản lý hàng hóa đưa vào, đưa ra, hệ thống ca mê ra giám sát”.
Liên quan đến chính sách thuế GTGT, theo Tổng cục Hải quan, tại khoản 20 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT: “Hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; hàng tạm NK, tái XK; hàng tạm XK, tái NK; nguyên liệu, vật tư NK để sản xuất, gia công hàng hóa XK theo hợp động sản xuất, gia công XK ký kết với bên nước ngoài. Hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau.
Khu phi thuế quan bao gồm: Khu chế xuất, DN chế xuất, kho bảo thuế, khu bảo thuế, kho ngoại quan, khu kinh tế thương mại đặc biệt, khu thương mại - công nghiệp và các khu vực kinh tế khác được thành lập và được hưởng các ưu đãi về thuế như khu phi thuế quan theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Quan hệ mua bán trao đổi hàng hóa giữa các khu này với bên ngoài là quan hệ XNK”.
Căn cứ các quy định hiện hành, Tổng cục Hải quan cho biết, kho ngoại quan phải đáp ứng định nghĩa khu phi thuế quan theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Thuế XK, thuế NK, đồng thời là khu vực hải quan riêng theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Quản lý ngoại thương, quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa kho ngoại quan với bên ngoài là quan hệ XNK.
Do đó, đối với trường hợp của Tổng Công ty Khánh Việt, Tổng cục Hải quan cho rằng, công ty NK hàng hoá từ kho ngoại quan vào nội địa để sản xuất hàng hoá XK và thực tế đã XK sản phẩm ra nước ngoài đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP thì được miễn thuế NK, không chịu thuế GTGT theo quy định.
Tổng cục Hải quan đề nghị Tổng Công ty Khánh Việt liên hệ với cơ quan Hải quan nơi đăng ký tờ khai hàng hoá NK để được hướng dẫn và giải quyết các thủ tục theo quy định.
Ý kiến bạn đọc