Cơ sở nào để xác định hàng hóa XK được sản xuất từ nguồn hàng NK tại chỗ?
Theo Tổng cục Hải quan, khoản 21 Điều 4 Luật Hải quan quy định thông quan là việc hoàn thành các thủ tục hải quan để hàng hóa được XNK hoặc đặt dưới chế độ quản lý nghiệp vụ hải quan khác; điểm c khoản 1 Điều 21 Luật Hải quan cũng quy định khi làm thủ tục hải quan, người khai hải quan có trách nhiệm nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí và quy định khác của pháp luật có liên quan; Điều 37 Luật Hải quan quy định hàng hóa được thông quan sau khi đã hoàn thành thủ tục hải quan. Trường hợp người khai hải quan đã hoàn thành thủ tục hải quan nhưng chưa nộp, nộp chưa đủ số thuế phải nộp trong thời hạn quy định thì hàng hóa được thông quan khi được tổ chức tín dụng bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp hoặc được áp dụng thời hạn nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 9 Luật Thuế XK, thuế NK quy định hàng hóa XNK thuộc đối tượng chịu thuế phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa theo quy định của Luật Hải quan, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Công chức Hải quan Thủ Dầu Một, Cục Hải quan Bình Dương hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp. Ảnh: T.D |
Trong đó, trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế phải nộp thì được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa nhưng phải nộp tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế kể từ ngày được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa đến ngày nộp thuế. Thời hạn bảo lãnh tối đa là 30 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
Tại Điều 10, Điều 12 Nghị định 134/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4, khoản 6 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định sản phẩm NK tại chỗ đăng ký tờ khai hải quan theo loại hình nhập gia công được miễn thuế NK nếu người NK tại chỗ đáp ứng quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 10 Nghị định này. Sản phẩm NK tại chỗ đăng ký tờ khai hải quan theo loại hình khác thì người NK tại chỗ kê khai, nộp thuế theo mức thuế suất và trị giá tính thuế của sản phẩm NK tại thời điểm đăng ký tờ khai.
Cũng tại Điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định người nộp thuế đã nộp thuế NK đối với hàng hóa NK để sản xuất, kinh doanh nhưng đã đưa vào sản xuất hàng hóa XK và đã XK sản phẩm ra nước ngoài, hoặc XK vào khu phi thuế quan, được hoàn thuế NK đã nộp.
Tuy nhiên, tại điểm b khoản 5 Điều 86 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi bổ sung tại khoản 58 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC quy định người NK tại chỗ có trách nhiệm thực hiện thủ tục NK hàng hóa theo quy định, chỉ được đưa hàng hóa vào sản xuất, tiêu thụ sau khi hàng hóa NK đã được thông quan.
Ngoài ra, theo báo cáo của Cục Hải quan Bình Dương thì DN “đưa hàng hóa NK tại chỗ vào sản xuất khi tờ khai chưa được thông quan”. Như vậy, DN đã thực hiện chưa đúng trách nhiệm và trình tự thủ tục quy định tại Điều 86 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 58 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC.
Do đó, theo Tổng cục Hải quan, đối chiếu với các quy định thì cơ quan Hải quan không có cơ sở để xác định hàng hoá XK được sản xuất từ hàng hoá NK tại chỗ nên không đủ cơ sở để hoàn thuế NK theo quy định tại Điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ-CP.
Tổng cục Hải quan đề nghị Cục Hải quan Bình Dương căn cứ vào hồ sơ vụ việc cụ thể và đối chiếu với quy định tại Điều 12 Nghị định 128/2020/NĐ-CP để xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định.
Ngoài ra, Cục Hải quan Bình Dương cần hướng dẫn, giải thích cho DN thực hiện đúng thủ tục hải quan, chính sách thuế đối với hàng hoá XNK.
Ý kiến bạn đọc