Cải thiện môi trường kinh doanh năm 2022: Đi vào vào trọng tâm, cụ thể

(HQ Online) - Đã thành thông lệ, vào đầu năm, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết 02 năm 2022 tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng phát huy xu hướng cải cách môi trường kinh doanh từ những năm trước.
10 nhiệm vụ để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2022
MEGASTORY: Hành trình cắt giảm điều kiện kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
VCCI: Cần cơ chế kiểm soát việc bổ sung điều kiện kinh doanh mới
Cải cách môi trường kinh doanh luôn được tiếp diễn trong nhiều năm qua. Ảnh: H.Dịu
Việc cải cách môi trường kinh doanh luôn được tiếp diễn trong nhiều năm qua. Ảnh: H.Dịu

An toàn và bình đẳng hơn

Theo đó, Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 của Chính phủ đã yêu cầu cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao vị trí của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19.

Cùng với đó, Nghị quyết yêu cầu phải tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân.

Trong năm 2021, cả nước có gần 117.000 doanh nghiệp ra đời, giảm 13,4% so với năm 2020, là mức thấp nhất kể từ năm 2017 đến nay. Trong khi đó, có tới gần 120.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 17,8% so với năm 2020. Vì thế, theo các chuyên gia đánh giá, Nghị quyết 02 năm 2022 đặt ra yêu cầu tăng và giảm những tỷ lệ nêu trên là rất cần thiết, góp phần giúp nền kinh tế khối phục.

Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho biết, cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp là một trong những trọng tâm chính sách của Chính phủ trong nhiều năm qua. Với nỗ lực trong các hoạt động mà Chính phủ đã đặt ra cho các cơ quan nhà nước liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh trong thời gian qua, thông qua đánh giá sự hài lòng của các doanh nghiệp, cho thấy, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều cải thiện, thay đổi căn bản với những kết quả tích cực.

“Môi trường kinh doanh đã trở nên an toàn hơn, bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế, thủ tục hành chính đã được cải thiện, chi phí không chính thức có chiều hướng giảm, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đã sát thực, có trọng tâm, trọng điểm”, ông Thể nêu rõ.

Ngoài ra, trong năm nay, một mục tiêu trọng tâm được đặt ra là phải kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh. Theo các doanh nghiệp, đây là vấn đề rất bức thiết bởi các doanh nghiệp đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch trong 2 năm qua. Kết quả điều tra doanh nghiệp của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2021 cho thấy, gần 90% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”, kể cả doanh nghiệp trong nước và FDI.

Quan trọng là khâu thực thi

Nghị quyết 02 năm nay cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể để cải thiện chất lượng, nâng cao thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh đồng bộ với cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Cụ thể: Nâng cao điểm số và duy trì thứ hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật (gọi tắt là B1); nâng xếp hạng chỉ số Kiểm soát tham nhũng (B2) lên 10 bậc; nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai (B3) lên ít nhất 1 bậc; nâng xếp hạng chỉ số Vốn hóa thị trường chứng khoán (B7) lên 2-3 bậc; nâng xếp hạng chỉ số Tăng trưởng về doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (B9) lên 2-3 bậc…

Vì thế, Nghị quyết 02 đã đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cùng với đó là phụ lục phân công công việc cụ thể đến từng bộ, ngành; trong đó nhấn mạnh đến việc tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của các bộ được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số…

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Cải cách môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Nghị quyết 02 vẫn tiếp cận tốt theo các thông lệ quốc tế để đưa ra mục tiêu và giải pháp cụ thể cho các cơ quan liên quan. Điểm khác biệt năm nay là các nhóm giải pháp được đưa ra trọng tâm và chi tiết hơn. Nghị quyết cũng mở rộng hơn các nhóm giải pháp đã được thực hiện trong các nghị quyết trước về cải cách điều kiện kinh doanh, như rà soát danh mục đầu tư có điều kiện để nhận diện gốc rễ của vấn đề.

Một giải pháp trọng tâm nữa là Chính phủ tăng cường chuyển đổi số nhằm đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính, để tạo cơ chế thông thoáng và tiết kiệm thời gian cho các doanh nghiệp thực hiện thủ tục.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, trong năm 2021, Chính phủ đã kịp thời ban hành 20 văn bản nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Các giải pháp được đưa ra có tính khả thi hơn, thủ tục đơn giản hơn nhưng một số giải pháp hỗ trợ vẫn chưa thực sự hiệu quả, chưa đến được với đa số doanh nghiệp gặp khó khăn. Do đó, cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được xác định là giải pháp “phi tài chính” có ý nghĩa để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế thích ứng, phục hồi sau đại dịch.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, các chính sách, nghị quyết ban hành từ Quốc hội đến Chính phủ đã đủ, vấn đề cần quan tâm hơn cả chính là khâu thực thi. Các cơ quan quản lý nên tiếp tục thực hiện một cách thực chất việc cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, thực hiện trực tuyến các thủ tục liên quan đến thuế phí, xuất nhập khẩu… để tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều