BIDV dự kiến lợi nhuận năm 2023 tăng 10-15%, tăng vốn thêm 21%
“Ông lớn” ngân hàng muốn được tăng vốn ngay từ đầu năm 2023 | |
Ngân hàng chạy đua quyết liệt tăng vốn điều lệ | |
BIDV đặt kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ lên hơn 61.200 tỷ đồng |
BIDV đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 từ 10-15% so với năm 2022. Ảnh: H.Dịu |
Lợi nhuận quý 1/2023 tăng 58% so với cùng kỳ
Ngày 28/4/2023, tại Hà Nội, BIDV đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023. Đại hội đã thống nhất báo cáo kết quả hoạt động năm 2022 của HĐQT BIDV. Trong năm 2022, HĐQT BIDV đã chỉ đạo toàn hệ thống hoàn thành toàn diện, đồng bộ các mục tiêu kế hoạch kinh doanh năm do ĐHĐCĐ giao. Đặc biệt, BIDV và Hana Bank tiếp tục thực hiện các giải pháp hợp tác chiến lược giữa hai bên, tiếp tục triển khai 36 dự án song phương đúng tiến độ.
Vì thế, ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu chính như: dư nợ tín dụng tăng trưởng đảm bảo tuân thủ giới hạn tín dụng do NHNN giao; huy động vốn phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng; đảm bảo an toàn, hiệu quả; lợi nhuận trước thuế tăng 10-15% so với năm 2022, phù hợp với diễn biến thị trường, năng lực của BIDV và phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN); tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư số 11/2021/TT-NHNN không quá 1,4%.
Theo ban lãnh đạo BIDV, tính đến hết quý 1/2023, kết quả kinh doanh khối ngân hàng thương mại rất khả quan với tổng tài sản đạt trên 2 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt trên 1,57 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 5%; huy động vốn đạt trên 1,65 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 2,3%; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,4% theo định hướng. Nhờ đó, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt trên 6,6 nghìn tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ.
Chia sẻ với cổ đông về triển vọng, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, các quy định của NHNN ngày càng chặt chẽ hơn, yêu cầu các ngân hàng tăng trưởng chủ động, bền vững hơn. Hơn nữa, các ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro và tăng vốn điều lệ để đảm bảo xu hướng chung.
Tuy nhiên, theo ông Tú, xu hướng biên lợi nhuận (NIM) của các ngân hàng chắc chắn sẽ thu hẹp dần, đây là xu hướng chung dưới áp lực cạnh tranh của nhiều tổ chức công nghệ tài chính . Hơn nữa, xu thế chung là giảm mặt bằng lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ nên các ngân hàng cũng đang triệt để thực hiện định hướng này. Vì thế, BIDV đang trình NHNN phương án cơ cấu từ nay đến năm 2025, trong đó BIDV được định vị là ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước có tỷ lệ sở hữu nhà nước không quá 65%, có tổng tài sản dẫn đầu, hoạt động hiệu quả, bền vững.
Đối với BIDV, Chủ tịch HĐQT cho hay, ngân hàng có đặc thù trích lập dự phòng rủi ro lớn. Trong năm 2022, mức trích lập dự phòng rủi ro thấp xuống nên lợi nhuận đạt 23.000 tỷ đồng. Vì thế, ông Phan Đức Tú thẳng thắn nhìn nhận, so với quy mô tổng tài sản 2 triệu tỷ đồng, tương đương 1.000 đồng tài sản thì thu về 1 đồng lợi nhuận, thì ỷ lệ này là rất thấp. Nên nếu việc tái cơ cấu thành công thì mức tăng trưởng lợi nhuận sẽ nhanh hơn.
Tiếp tục đồng hành với các dự án bất động sản tốt
Cùng với đó, ĐHĐCĐ BIDV đã thông qua phương án phát hành 1,097 tỷ cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 61.557,1 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cuối năm trước.
Cụ thể, BIDV dự kiến phát hành 641,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 12,69%, đồng thời phát hành thêm 455,2 triệu cổ phiếu mới thông qua chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ theo phương án đã được ĐHĐCĐ BIDV năm 2022 thông qua.
Số vốn điều lệ tăng thêm dự kiến sẽ được dùng để bổ sung vốn kinh doanh, sử dụng cho các hoạt động tín dụng, hoạt động đầu tư; đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ mới, ngân hàng số.
Trả lời câu hỏi về kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ, lãnh đạo BIDV cho hay, ngân hàng đang nỗ lực tiếp xúc với 38 nhà đầu tư trong 3 năm qua, nhưng do tình hình kinh tế không thuận lợi nên BIDV sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này trong năm 2023 và cũng đã có một số nhà đầu tư tiềm năng. BIDV sẽ làm việc với NHNN, các đối tác để tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp nhất.
Liên quan đến những khó khăn từ thị trường bất động sản, ông Phan Đức Tú cho biết, bất động sản là ngành quan trọng của nền kinh tế, nên đây vẫn là những khách hàng tốt nên BIDV sẽ đồng hành với bất động sản, nhưng có cơ chế kiểm soát phù hợp. Hiện dư nợ mảng kinh doanh bất động sản chỉ chiếm khoảng hơn 2% tổng dư nợ, cho vay mua nhà ở cá nhân chiếm 15% tổng dư nợ, nên từ đầu năm nay, BIDV không thắt chặt và tiếp tục bơm vốn cho các dự án bất động sản tốt, đủ điều kiện pháp lý, có khả năng hoàn thành dự án, có thanh khoản, cũng như tiếp tục cho vay mua nhà.
Về công tác nhân sự, ĐHĐCĐ BIDV đã thông qua việc bầu bổ sung ông Đặng Văn Tuyên, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ thuộc NHNN làm thành viên HĐQT BIDV nhiệm kỳ 2022-2027.
Ý kiến bạn đọc