Báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh
Diễn đàn “Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững”. |
Phát biểu tại Diễn đàn “Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững” được tổ chức vào ngày 31/5 tại Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho biết, mối quan hệ hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh.
Theo đó, báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước thông qua thông tin trên báo chí, giúp các cơ quan Nhà nước lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp từ việc thực hiện chủ trương, chính sách để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý điều hành.
Báo chí cũng là kênh thông tin quan trọng và cần thiết, góp phần vào sự thành công của doanh nghiệp. Không chỉ là cầu nối để quảng bá thương hiệu sản phẩm, chất lượng hàng hóa, phương thức bán hàng và tiêu thụ sản phẩm,… báo chí còn là kênh cung cấp thông tin để doanh nghiệp nắm được nhu cầu khách hàng, thông tin từ đối tác, sự phát triển của thị trường trong và ngoài nước, từ đó có những quyết sách phù hợp cho sự phát triển của doanh nghiệp…
Cũng tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chia sẻ, nhiều câu chuyện thực tế cho thấy, báo chí có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thành công hay thất bại của chính sách do các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng và thực thi.
"Không có báo chí đi trước mở đường, chính sách khó có thể được đông đảo người dân đón nhận và đồng lòng tuân thủ. Ngược lại, khi báo chí đã lên tiếng phản đối, chính sách có thể “chết yểu” ngay từ khi còn trong trứng, thậm chí khai tử ngay trước giờ ban hành dù đã qua quá trình xây dựng và thẩm định kỹ lưỡng", TS. Kiên nhìn nhận.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, qua thông tin từ báo chí, doanh nghiệp hiểu rõ được lợi ích từ những chính sách mới, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh về giá, mở rộng thị trường xuất khẩu thế mạnh của Hapro như gạo, hạt điều, cà phê…; đa dạng hóa nguồn hàng cũng như tiếp cận tốt hơn với công nghệ...
Cũng đánh giá cao vai trò của báo chí trong hoạt động của doanh nghiệp, nhưng bà Lê Dung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đào tạo và Phát triển nhân lực DGroup đề xuất, báo chí cần tăng cường tính tương tác và phản hồi để không chỉ hiểu rõ hơn về nhu cầu và mong muốn của doanh nghiệp mà còn cải thiện chất lượng thông tin. Báo chí cần xây dựng các kênh tương tác đa chiều, cho phép độc giả và doanh nghiệp tham gia vào quá trình tạo dựng nội dung và đóng góp ý kiến.
Theo TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HANOISME), các doanh nghiệp còn khó khăn về mối quan hệ với báo chí để xây dựng thương hiệu. Bởi trong quá trình phát triển, doanh nghiệp đôi khi xảy ra khủng hoảng truyền thông đòi hỏi kỹ năng xử lý, nên cần huy động vai trò của báo chí đồng hành xây dựng và phát triển thương hiệu bền vững. Muốn vậy, báo chí và doanh nghiệp phải có mối quan hệ “cộng sinh”, thông tin chính thống trên báo chí trở thành điểm tựa cho doanh nghiệp vững tin kinh doanh sản xuất.
Ý kiến bạn đọc