2021- Chờ đợi doanh nghiệp vực dậy sau cú sốc

(HQ Online) - Năm 2020 đi qua đầy “giông bão”, với dịch bệnh, thiên tai khiến kinh tế suy thoái. Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã nỗ lực chèo chống để không những phục hồi mà còn phục hồi mạnh mẽ. “Cửa sáng” cho các DN trong năm 2021 đang rộng mở, nhưng DN nào bước vào được cánh cửa rộng mở đó lại phụ thuộc nhiều vào ý chí cũng như chiến lược của từng doanh nghiệp.
16 doanh nghiệp phát hành thành công 10,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 11
Không nên phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài
Giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp: Chấp nhận hụt thu ngân sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Các Hiệp định đang và sắp thực hiện.
Các Hiệp định đang và sắp thực hiện.

“Lội ngược dòng”

Khảo sát Navigator hàng năm của HSBC cho thấy 86% DN Việt Nam được khảo sát kỳ vọng doanh số bán hàng sẽ tăng trong năm 2021, cao hơn so với mức trung bình toàn cầu và châu Á- Thái Bình Dương (lần lượt 64% và 60%). HSBC nhận định, con số này là một minh chứng cho câu chuyện thành công của Việt Nam trong việc đối phó và loại trừ dịch bệnh Covid-19.

Nguyên nhân bởi các DN Việt Nam nhìn chung ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch hơn so với các DN trên toàn cầu. Ông Tim Evans, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận xét, khả năng phục hồi xuất sắc và công tác ứng phó rất hiệu quả của Việt Nam đối với đại dịch là một đóng góp to lớn giúp tinh thần lạc quan của các DN gia tăng. Không giống như nhiều quốc gia khác, từ góc độ nền kinh tế trong nước thuần túy, trong nửa cuối năm, Việt Nam nhìn chung đã quay trở lại môi trường kinh doanh bình thường.

Cũng về vấn đề này, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hồ hởi cho rằng: Trong bối cảnh đen tối của nền kinh tế toàn cầu thì "bếp lửa" của nền kinh tế Việt Nam vẫn sáng. Cụ thể, theo ông Lộc, ba chân kiềng của nền kinh tế vẫn giữ vững. Ba chân kiềng đó gồm: đổi mới thể chế mạnh mẽ; hội nhập vẫn đang thúc đẩy và chuyển đổi số đang được thực thi mạnh mẽ.

Nhờ những động lực như trên, mà các DN đều tìm thấy “cửa sáng” cho hoạt động kinh doanh từ những tháng cuối năm 2020 cho đến đầu năm 2021.

Đại diện Công ty Cổ phần Gỗ Đức Thành cho biết, năm 2020, doanh thu ước đạt hơn 400 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 18% so với năm 2019, vượt cả kế hoạch ĐHĐCĐ đặt ra từ đầu năm. Đáng chú ý, DN còn cho biết đã nhận được nhiều đơn hàng cho năm sau, với tổng giá trị khoảng 3,7 triệu USD, tăng 130% so với cùng kỳ, ước đạt 25% kế hoạch cả năm 2021. “Chúng tôi có một đơn hàng cung cấp các loại bàn ghế trẻ em cho một khách hàng lớn ở Mỹ, có trị giá hơn 300.000 USD. Nhưng khách hàng còn nói, đây chỉ là đơn hàng đặt thử, nếu lô hàng này đạt chất lượng và đạt mọi yêu cầu khắt khe của thị trường Mỹ thì họ có thể đặt gấp 10 lần đơn hàng này", đại diện Gỗ Đức Thành chia sẻ.

Tương tự, nhiều DN dệt may cũng đã “lội ngược dòng” nhờ vào các chiến lược phù hợp để đối phó với tác động của dịch bệnh. Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG là DN đầu tiên sản xuất khẩu trang. Sau đó, TNG tiếp tục phát triển các sản phẩm quần áo y tế với thương hiệu của TNG để xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT TNG cho biết, mặc dù đại dịch làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng DN đã tìm đến các nhà cung ứng trong nước. Vì thế, kế hoạch kinh doanh cả năm 2020 vừa qua vẫn đạt kết hoạch, hiện TNG đã ký đơn hàng đến hết tháng 6/2021. Vị này cũng nhận định, tuy năm 2021, DN dệt may chưa hết khó nhưng sẽ bật lên rất mạnh vào năm 2022-2023.

Nhận ra xu thế, tận dụng lợi thế

Tất nhiên, như vị Chủ tịch của TNG đã chia sẻ, năm 2021, nền kinh tế vẫn chưa thoát khó, thậm chí phải đến đầu năm 2022, kinh tế và thương mại thế giới mới có thể hoạt động bình thường. Vì thế, các DN đã vượt khó hay chưa vượt khó vẫn phải tiếp tục bước đi. Tuy nhiên, các DN sẽ không phải đi một mình, mà đã có nhiều cơ hội, nhiều chính sách hỗ trợ từ Nhà nước song hành.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Vân, Phó chủ tịch Hiệp hội DN ngành Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba) cho biết, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang dịch chuyển cũng như tăng tính bền vững cho chuỗi kết nối. Hơn nữa, với việc 13 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã có hiệu lực, đang đàm phán 2 FTA, thì Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, tạo ra cơ hội lớn để phát triển chuỗi cung ứng mới.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty IQLinks, Giám đốc Công ty Cổ phần ĐMT Sunseap Link Việt Nam cũng nhấn mạnh tới cơ hội từ dòng vốn FDI vào Việt Nam. Đây là động lực quan trọng, tạo nhiều công ăn việc làm, tạo cơ hội để lao động Việt Nam tiếp cận được xu hướng, kỹ thuật công nghệ mới… Nhưng theo vị này, Việt Nam có đón được “đại bàng” hay không còn phụ thuộc vào cơ chế và thể chế. Ông Bắc kiến nghị, khi cơ quan quản lý đã ra chính sách thì cần thông thoáng từ cấp trên đến địa phương, tạo điều kiện cho DN và nhà đầu tư.

Những vấn đề trên cho thấy, sự phục hồi và đi lên của DN vào năm 2021 còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành cho rằng, các DN phải đủ bản lĩnh, kinh nghiệm, sự sáng tạo, đồng lòng cùng Chính phủ vững bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa thời hậu dịch. Đồng thời các DN cũng phải tạo lập nền tảng bằng cách: nhận ra xu thế, tận dụng lợi thế, đau đáu sáng tạo, kết nối khôn ngoan và quản trị rủi ro… để đi đường dài, bởi không ai có thể nói trước điều gì cho đến khi khó khăn ập đến.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

SHB tối ưu phương thức xác thực cho khách hàng doanh nghiệp trên Internet Banking

SHB tối ưu phương thức xác thực cho khách hàng doanh nghiệp trên Internet Banking

(HQ Online) - Với mong muốn tăng cường tính an toàn bảo mật giao dịch cho khách hàng và tuân thủ quy định của pháp luật, từ ngày 15/05/2024, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) tiến hành điều chỉnh, tối ưu phương thức xác thực giao dịch hiện có cho doanh nghiệp khi sử dụng SHB Corporate Online.

Đọc nhiều