Techcombank thông qua mục tiêu lợi nhuận 27.100 tỷ đồng, tăng gấp đôi vốn điều lệ
Techcombank: Ngân hàng luôn quản lý trái phiếu doanh nghiệp như một khoản vay Ngân hàng tìm cách hút dòng vốn ngoại Mục tiêu tham vọng về lợi nhuận của các ngân hàng |
Ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank báo cáo tại ĐHĐCĐ. |
Báo cáo tại ĐHĐCĐ, ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank cho biết, trong năm 2023, kết quả kinh doanh của ngân hàng bị ảnh hưởng bởi hoạt động chậm hơn ở thị trường trái phiếu, bán chéo ngân hàng - bảo hiểm và bất động sản, vốn là những lĩnh vực thế mạnh truyền thống của Techcombank. Nền lãi suất cao xuyên suốt cũng ảnh hưởng lên biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng ghi nhận giảm, trong khi điều kiện kinh tế kém tích cực góp phần tăng tỷ lệ nợ xấu (NPL) và tổng chi phí tín dụng.
Tuy nhiên, ngân hàng vẫn ghi nhận tổng thu nhập hoạt động (TOI) ổn định, nhờ tăng trưởng thu nhập phí và mở rộng tệp khách hàng. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 22.900 tỷ đồng, vượt kế hoạch 4%. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,2%, nằm trong số thấp nhất trong ngành; tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức 14.4% vào cuối năm 2023 – cao thứ 2 trong hệ thống ngân hàng.
Tỷ lệ CASA của ngân hàng đạt 40% vào 31/12/2023, hỗ trợ bởi những yếu tố thuận lợi vào cuối năm từ khách hàng doanh nghiệp.
Năm 2024, ĐHĐCĐ Techcombank đã thông qua các mục tiêu tài chính quan trọng. Cụ thể, Techcombank đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 16,2% (theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước-NHNN); tổng tiền gửi khách hàng phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng thực tế; lợi nhuận năm 2024 dự kiến tăng trưởng 18,4% lên 27.100 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu nội bảng kiểm soát dưới 1,5%.
Đặc biệt, sau 10 năm tích lũy lợi nhuận để tái đầu tư hoạt động kinh doanh và không chia cổ tức, từ năm 2024, Techcombank sẽ triển khai kế hoạch trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.
Theo đó, ĐHĐCĐ đã thông qua phương án trả cổ tức tiền mặt 1.500 đồng/ cổ phiếu, là mức cổ tức tiền mặt cao nhất trong số các ngân hàng đã công bố. Techcombank dự kiến dành hơn 5.283 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng sau khi trích lập các quỹ tính đến hết 2023 để chia cổ tức tiền mặt. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 2 hoặc quý 3/2024.
Lý giải về việc chi trả cổ tức tiền mặt trong năm nay, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết, ngân hàng đã duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận gần 40%/năm trong một thập kỷ, tổng lợi nhuận trước thuế trong 3 năm gần nhất đạt trên 3 tỷ USD ngay cả khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Vì thế, vị này bày tỏ tin tưởng, việc duy trì chính sách trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận giữ lại trong khi vẫn tiếp tục đà tăng trưởng kinh doanh cao trên mức trung bình ngành và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn 14-15% là hoàn toàn khả thi.
Đồng thời, Techcombank dự kiến tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu để tăng vốn điều lệ từ mức 35.225 tỷ đồng lên 70.450 tỷ đồng. Tỷ lệ phát hành dự kiến là 100% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếuđược hưởng quyền sẽ được nhận thêm 100 cổ phiếu mới).
Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa hiện tại và sau khi tăng vốn sẽ không đổi là 22,486% vốn điều lệ. Số vốn tăng thêm dự kiến sẽ được sử dụng để bổ sung vốn hoạt động của Techcombank.
Về lo ngại “pha loãng” cổ phiếu từ cổ đông, ông Jens Lottner cho hay, phát hành cổ phiếu thưởng có thể dẫn tới giảm giá cổ phiếu, nhưng đây cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư mua vào với giá phù hợp hơn. Nếu là cổ phiếu tốt của doanh nghiệp tốt thì cổ phiếu sẽ tăng trưởng trở lại. Tổng giám đốc Techcombank nhấn mạnh, thưởng cổ phiếu cho cổ đông không ảnh hưởng tới vốn chủ sở hữu, chỉ là chuyển dịch từ phần này sang phần kia.
Liên quan đến kế hoạch phát hành vốn cho cổ đông ngoại, ông Hồ Hùng Anh cho biết, ngân hàng đang xem xét, tìm kiếm đối tác chiến lược, bởi nếu phát hành cho các đối tác này thì giá cổ phiếu sẽ cao hơn, mang lại lợi ích chung cho cổ đông. “VPBank đã làm được điều này khi phát hành cho cổ đông Nhật Bản, Techcombank cũng đang tìm kiếm cơ hội như vậy khi thị trường quay trở lại", ông Hồ Hùng Anh cho biết.
Ý kiến bạn đọc