Yêu cầu bố trí đủ nguồn lực để thông quan liên tục, kịp thời đáp ứng doanh nghiệp
Công chức Cục Hải quan Quảng Ninh kiểm tra sau thông quan hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp. Ảnh: Q.Hùng |
Cho phép nộp bản sao scan có xác nhận bằng chữ ký số
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan áp dụng Điều 50 Luật Hải quan năm 2014 về thủ tục hải quan đối với hàng hóa phục vụ yêu cầu khẩn cấp để thông quan nhanh đối với hàng hóa viện trợ, biếu, tặng từ nước ngoài hoặc hàng hóa do các tổ chức, cá nhân trong nước nhập khẩu để ủng hộ, hỗ trợ, tài trợ, biếu tặng cho Chính phủ, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố để phục vụ công tác phòng chống dịch, điều trị, khám chữa bệnh.
Cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được nộp bản sao scan có xác nhận bằng chữ ký số đối với các chứng từ phải nộp bản giấy là bản chính dưới dạng giấy/bản sao y công chứng/chứng thực theo quy định của các bộ, cơ quan để giải quyết ách tắc khi thông quan hàng hoá; các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thực hiện nộp bổ sung sau khi hàng hoá được thông quan để hậu kiểm.
Tổng cục Hải quan cần hướng dẫn các cục, chi cục hải quan địa phương bố trí đủ nguồn lực để tổ chức thông quan liên tục, kịp thời, an toàn, đáp ứng kịp thời yêu cầu của doanh nghiệp sản xuất, gia công linh kiện thuộc lĩnh vực điện tử, công nghệ cao; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhập khẩu hàng thiết yếu cho công tác phòng, chữa bệnh, thực phẩm dinh dưỡng y tế và sữa cho trẻ em.
Thực hiện thống nhất “luồng xanh”
Cùng với đó, Nghị quyết cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất “luồng xanh” vận tải đường bộ và đường thuỷ toàn quốc, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa an toàn, thông suốt trên nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận lợi; khai thác lợi thế của việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt trong chuỗi cung ứng sản phẩm; không quy định thêm các điều kiện, giấy phép cản trở lưu thông hàng hoá, đặc biệt đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân và vật tư, nguyên liệu sản xuất; không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Cơ quan này cũng phải chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan ban hành hướng dẫn quy định về giao nhận, vận tải trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2021.
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường quản lý thị trường, đảm bảo cân đối vật tư, hàng hoá quan trọng, thiết yếu đối với sản xuất và đời sống, không để lợi dụng tăng giá.
Tăng cường cung cấp thông tin, thị trường, nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hoá của các nước; hỗ trợ xúc tiến thương mại trực tuyến; kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm trên môi trường số; tiếp tục hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường còn dư địa lớn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, các địa phương, hiệp hội, ngành hàng tổng hợp tình hình sản xuất, tiêu thụ, hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; chủ động, kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ, không để đứt gãy sản xuất, đảm bảo cung ứng, tiêu thụ, nhất là lương thực, thực phẩm, các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu khi thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch bệnh.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai, thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho các thương nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thu mua, tạm trữ thóc, gạo, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Chính phủ chỉ đạo các địa phương chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; chủ động quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trở lại khi đáp ứng điều kiện an toàn phòng, chống dịch; hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy.
Đánh giá đầy đủ khả năng của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong việc đáp ứng yêu cầu an toàn phòng chống dịch khi áp dụng các mô hình: “Một cung đường, hai điểm đến”, “Ba tại chỗ”, “Ba cùng”… và các mô hình phù hợp để áp dụng khi đáp ứng điều kiện an toàn, phù hợp với thực tiễn địa phương.
Chính phủ cũng chỉ đạo tập trung tháo gỡ triệt để tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa do bất cập trong thực thi các quy định, thủ tục về phòng, chống dịch Covid-19, tuân thủ các quy định, hướng dẫn của Trung ương; không tạo ra các loại giấy phép “con”, các điều kiện cản trở lưu thông hàng hóa, không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Ý kiến bạn đọc