Ươm tạo doanh nghiệp và gia tăng giá trị cho dược liệu xuất khẩu
Giá trị xuất khẩu thuốc đạt khoảng 1 tỷ USD vào 2030 Chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng dược liệu nhập khẩu Rào cản khiến dược liệu khó “cất cánh” |
PGS.TS. Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp (ĐHQGHN) phát biểu tại tọa đàm công bố Chương trình. |
Theo các chuyên gia, với khoảng 5.117 loài cây dược liệu, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật. Theo Fortune Business Insights, tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu năm 2022 ước tính khoảng 168,86 tỷ USD, dự kiến có thể đạt 437,59 tỷ USD vào năm 2030.
Định hướng của Chính phủ về phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là phấn đấu đến năm 2030 trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực; phấn đấu giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỷ USD. Đến năm 2045 phấn đấu tổng giá trị ngành công nghiệp dược đạt trên 20 tỷ USD.
Vì thế, một trong những giải pháp được Chính phủ nêu ra để thực hiện các mục tiêu này là phải chú trọng, ưu tiên phát triển các dự án sản xuất thuốc chuyển giao công nghệ; huy động mọi nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất thuốc trong nước, sản xuất thuốc nhượng quyền, chuyển giao công nghệ, vắc xin, sinh phẩm y tế và các sản phẩm từ dược liệu…
Hiện nay, Việt Nam đã và đang xuất khẩu một số dược liệu có thế mạnh như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe... nhưng vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ. Tổng giá trị xuất khẩu quế, hồi liên tục tăng, năm 2022 đạt 276 triệu USD, nhưng con số này còn khiêm tốn so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới.
Các doanh nghiệp dược liệu cho hay, phần lớn dược liệu Việt Nam được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. Trong khi đó, nội tại các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn khi chưa được quy hoạch vùng trồng hiệu quả, chịu sự cạnh tranh với nguồn dược liệu nhập khẩu…
Do đó, các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần phải đầu tư mạnh về khoa học và công nghệ, phát triển vùng trồng dược liệu trên quy mô lớn cũng như tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn của nước nhập khẩu.
Nhằm hỗ trợ đưa các kết quả nghiên cứu, sản phẩm khoa học công nghệ từ thảo dược của các nhà khoa học ra thị trường, chuyển hoá tài sản tri thức, trí tuệ thành các giá trị thực tiễn, hữu ích phục vụ cho cộng đồng và xã hội, Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã hợp tác cùng Công ty Cổ phần KisStartup triển khai Chương trình “Ươm tạo doanh nghiệp và giải pháp sáng tạo trong lĩnh vực dược liệu (S-Herb CSK)”.
Theo PGS.TS. Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp, mô hình vườn ươm này sẽ hướng tới mục tiêu gia tăng giá trị của các sản phẩm thảo mộc, thảo dược, dược liệu, gia vị hiện có; thương mại hóa các công nghệ liên quan, phát triển vùng trồng dược liệu đạt chuẩn…
Bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần KisStartup cho hay, các dự án tham gia Chương trình sẽ được tiếp cận với các chương trình tài trợ, giải thưởng của các tập đoàn lớn như Mitsui Chemicals, kết nối, xúc tiến xuất khẩu tại thị trường quốc tế như Canada, Úc, Nga, Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản... tạo thành kết nối chặt chẽ giữa nghiên cứu và thương mại hóa thông qua mở rộng mạng lưới hợp tác với các nhà đầu tư cùng các tập đoàn trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, Đại học Quốc gia Hà Nội đang tập trung phát triển các nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ, tháo gỡ vướng mắc về việc thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ nên Chương trình là tiền đề để tiếp tục xây dựng, triển khai ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác, góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các trường đại học nói riêng và quốc gia nói chung.
Ý kiến bạn đọc