Tiêu hủy hơn 600.000 cành hoa chuẩn bị xuất khẩu vì vướng quản lý chuyên ngành

(HQ Online) - Công ty TNHH Đà Lạt Hasfarm vừa phải tiêu hủy hơn 600.000 cành hoa cúc và cẩm chướng đã đóng vào container để chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Australia, trị giá lô hàng trên 150.000 USD. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục phải tiêu hủy hàng trong thời gian tới vì vướng mắc trong quản lý chuyên ngành đối với hàng xuất khẩu.
Công ty Đà Lạt Hasfarm đang tháo dỡ để tiêu hủy hoa cục và cẩm chướng chuẩn bị xuất khẩu sang Úc
Công ty Đà Lạt Hasfarm đang tháo dỡ lô hàng hoa cúc và cẩm chướng chuẩn bị xuất khẩu để tiêu hủy.

Theo đại diện Công ty TNHH Đà Lạt Hasfarm, để xuất khẩu hoa cẩm chướng và cúc sang thị trường Australia, trong quy trình xử lý sau thu hoạch theo quy định của Australia, Công ty phải sử dụng hoạt chất Glyphosate để triệt mầm hoa cúc và hoa cẩm chướng theo một quy trình nghiêm ngặt tại khu vực đóng gói với các trang thiết bị bảo hộ chuyên dụng.

Công ty TNHH Đà Lạt Hasfarm đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy định này cũng như các quy định về xử lý sau khi sử dụng hoạt chất và đã xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian hơn 20 năm, kim ngạch hơn 5 triệu USD/năm, góp phần vào việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm tại địa phương. Thị trường Australia đang có nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm ngành hoa của Việt Nam.

Doanh nghiệp “kêu trời” vì độ Doanh nghiệp “kêu trời” vì độ "vênh" của thông tư

Tuy nhiên, theo Thông tư số 10/TT-BNNPTNT ngày 9/9/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate không được sản xuất, nhập khẩu, chỉ được buôn bán, sử dụng đến hết ngày 31/6/2021.

Từ khi Thông tư ban hành, Công ty đã chủ động thử nghiệm các loại hoạt chất khác để thay thế Glyphosate trong việc xử lý tiệt mầm hoa cúc và hoa cẩm chướng theo yêu cầu của nước nhập khẩu, trong đó có các hoạt chất như Ansaron, Glufosinate Ammonium. Tuy kết quả xử lý tiệt mầm không được như Glyphosate, nhưng vẫn ở mức có thể chấp nhận được. Công ty đã báo cáo các kết quả thử nghiệm này cho Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Như vậy, theo Thông tư số 10 nói trên, sau ngày 31/6/2021, toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc xử lý triệt mầm hoa cúc, hoa cẩm chướng để xuất khẩu cho Australia tại Công ty sẽ không được thực hiện, điều đó cũng đồng nghĩa với việc sẽ phải dừng toàn bộ các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường này. Việc này sẽ gây những thiệt hại rất nặng nề vì mất hoàn toàn thị trường Australia đối với ngành hoa của Việt Nam, tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu hoa ở các nước còn đang cho phép sử dụng hoạt chất Glyphosate (như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan…) chiếm lĩnh thị trường.

Ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dalat Hasfarm cho biết, ngày 2/6, công ty đã có công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cơ quan chức năng thuộc Bộ thông báo cho phía Australia về quyết định cấm sử dụng hoạt chất Glyphosate tại Việt Nam và đàm phán để phía Australia chấp nhận các loại hoạt chất thay thế khác trong việc xử lý triệt mầm các loại hoa xuất khẩu sang thị trường này.

Trong thời gian đàm phán để phía bạn chấp nhận các loại hoạt chất thay thế, đề xuất Bộ cho phép Công ty được tiếp tục sử dụng hoạt chất Glyphosate để triệt mầm hoa xuất khẩu cho thị trường Australia với một số lượng hạn chế cùng quy trình xử lý được kiểm soát nghiêm ngặt, đảm bảo không có dư lượng hoạt chất thất thoát ra môi trường cho đến khi nước nhập khẩu chấp nhận hoạt chất thay thế.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, Hiệp hội Hoa Đà Lạt, Hiệp hội Doanh nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cũng đã có công văn ủng hộ đề xuất của doanh nghiệp. Thế nhưng, mọi việc vẫn chưa có kết quả khi số lượng hoa cẩm chướng và cúc đã trồng để xuất khẩu sang Australia trong tháng 7 và tháng 8 là khoảng 4,2 triệu cành, trị giá ước tính hơn 740.000 USD.

Vướng mắc chậm tháo gỡ, doanh nghiệp khó càng thêm khó Vướng mắc chậm tháo gỡ, doanh nghiệp khó càng thêm khó

Trước tình thế chẳng đặng đừng, từ đầu tháng 7 đến nay, Công ty đã phải tháo dỡ các container hoa chuẩn bị xuất khẩu để tiêu hủy hơn 600.000 cành hoa cúc và cẩm chướng, trị giá hơn 150.000 USD.

Cơ quan quản lý chuyên ngành đã ban hành danh mục hoạt chất cấm sử dụng còn việc sử dụng hoạt chất gì thay thế và đàm phán thế nào với nhà nhập khẩu đối với với quy định của nước nhập khẩu thì cơ quan này không nói. Đây phải chăng là chuyện riêng của doanh nghiệp?

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đọc nhiều