Tiềm năng của trí tuệ nhân tạo trong phát triển kinh tế số
Viettel hợp tác cùng Microsoft nâng cao năng lực về trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam Khai thác dữ liệu bằng AI để nâng hiệu quả quản lý rủi ro và tạo thuận lợi Chuỗi cung ứng vươn lên nhờ công nghệ |
Tại Việt Nam, từ đầu năm 2021, Chính phủ đã ban hành "Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030", với mục tiêu từng bước đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong khu vực và trên thế giới.
Vì thế, với chiến lược và những mục tiêu đề ra, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực trong thu hút đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng áp dụng công nghệ 4.0. Vì thế, Việt Nam đã có những doanh nghiệp đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận về nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Mới đây, ông Jensen Huang, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn NVIDIA (Hoa Kỳ) - tập đoàn sản xuất chip đắt giá nhất thế giới với giá trị thị trường gần 1.200 tỷ USD, đã sang thăm Việt Nam. Trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, ông Jensen Huang đã đánh giá cao tiềm năng, cơ hội cũng như chiến lược về đầu tư hạ tầng của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn NVIDIA bày tỏ tin tưởng, Việt Nam sẽ thành công trong những khâu, lĩnh vực quan trọng nhất của công nghiệp, công nghệ. Ông cho biết NVIDIA đã đầu tư khoảng 250 triệu USD vào Việt Nam, xác định Việt Nam là thị trường quan trọng. NVIDIA mong muốn thiết lập một trung tâm, cứ điểm tại Việt Nam để thu hút nhân tài, qua đó góp phần phát triển hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn từ Hoa Kỳ cũng đã hé lộ kế hoạch đầu tư vào công nghệ cao tại Việt Nam. Báo cáo mới nhất về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) do Oxford Insights (Vương quốc Anh) thực hiện cho thấy, năm 2022, Việt Nam xếp hạng 55 toàn cầu, tăng 7 bậc so với năm 2021 và xếp thứ 6/10 trong khối ASEAN.
GS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu tại Hội thảo. |
Phát biểu tại Hội thảo quốc tế về tính toán dữ liệu và mạng xã hội lần thứ 12 (CSoNet 2023) được tổ chức từ 11-13/12, GS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh đến việc tìm ra những giải pháp thiết thực cho việc ứng dụng các nghiên cứu về công nghệ cao vào sản xuất và quản trị kinh doanh, đặc biệt ưu tiên cho các lĩnh vực như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… để phát triển kinh tế số.
Theo đó, nhiều nghiên cứu từ các học giả Việt Nam và 18 quốc gia trong các lĩnh vực về khoa học, dự báo, tối ưu hóa, bảo mật, blockchain và phân tích mạng xã hội… đã được công bố tại Hội thảo. GS.TS. Phạm Hồng Chương cho rằng, đây là cơ hội để các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách xác định được xu hướng phát triển, cũng như rút ra được những kinh nghiệm, giải pháp để ứng dụng thực tế.
Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã cùng nhau thảo luận các phương pháp giải quyết các vấn đề điện toán mới, tập trung vào nền tảng cơ bản, phát triển công nghệ và các ứng dụng trong mạng lưới kinh tế.
Nên theo các chuyên gia, các công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, vấn đề là các cơ quan quản lý cần xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý cũng như có chiến lược hỗ trợ dài hạn để theo kịp các cơ hội đang được mở ra.
Ý kiến bạn đọc