Thủ tướng đề nghị doanh nhân Việt Nam trau dồi bản lĩnh, đạo đức kinh doanh
Doanh nhân Việt và bản lĩnh vươn ra thị trường thế giới | |
Với doanh nhân, ưu đãi không quan trọng bằng cơ hội kinh doanh | |
Đạo đức doanh nhân - nền tảng cho hội nhập |
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Top 10 Doanh nhân tiêu biểu Việt Nam 2022. Ảnh: VGP |
Đẩy lùi những khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp
Sáng 12/10, phát biểu tại Lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận những nỗ lực, đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trong xây dựng, phát triển kinh tế đất nước và chung sức cùng cả nước chống đại dịch Covid-19 thời gian qua.
Thủ tướng nhận định, hiện nay, tình hình có nhiều khó khăn, thách thức đan xen cơ hội và thuận lợi, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi. Tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ, nhưng với sự chỉ đạo, lãnh đạo từ Đảng, Nhà nước cùng sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, nền kinh tế vẫn duy trì ổn định.
Theo Thủ tướng, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đây là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Hiện khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Không chỉ hoạt động trong nước, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới.
Thủ tướng nhắc lại, Đại hội XIII của Đảng đặt ra những mục tiêu và khát vọng phát triển đất nước đến năm 2025 thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đại hội XIII cũng đã đề ra nhiệm vụ: "Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi…" và đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65%.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Ảnh: VGP |
Vì vậy, Thủ tướng cho rằng, các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp cần cùng nhau giải quyết các vấn đề đặt ra với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kịp thời và hiệu quả.
“Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe với cộng đồng doanh nghiệp, trên với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, cân đối, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, khuyến khích đổi mới sáng tạo; ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp, bảo đảm tăng tín dụng hợp lý và hiệu quả, tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.
Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Phát triển mạnh thị trường trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và các chuỗi cung ứng. Đẩy mạnh ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng móc nối trục lợi, gây khó khăn, phiền hà đối với doanh nghiệp và người dân trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Phát triển lành mạnh hóa, củng cố niềm tin của nhà đầu tư với các thị trường tài chính, bất động sản…
Cùng với đó, theo người đứng đầu Chính phủ, các doanh nhân Việt Nam cũng cần trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và văn hóa, đạo đức người kinh doanh; thể hiện mạnh mẽ vai trò xung kích, chiến sĩ đi đầu trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường kết nối, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển đổi số quốc gia; tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội…
Doanh nhân cần đề cao thượng tôn pháp luật
Cũng tại buổi lễ, 60 doanh nhân đã được tôn vinh và trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022, trong đó có 10 người được vinh danh Top 10 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.
Thông tin tổng hợp về doanh nghiệp của 60 doanh nhân này cho thấy, năm 2021 có doanh thu trên 1,2 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 722 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 148 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 70 nghìn tỷ đồng và số lao động trên 251 nghìn người. Đây là các doanh nhân đang lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp thuộc đủ các thành phần kinh tế, có quy mô từ rất lớn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong số Top 10 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, có nhiều doanh nhân đã thành danh như tỷ phú Trần Bá Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải), ông Lê Mạnh Hùng (Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), ông Lý Ngọc Minh (Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Minh Long 1), bà Nguyễn Thị Nga (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG), bà Thái Hương (Chủ tịch Hội đồng chiến lược Công ty Cổ phần Thực phẩm Sữa TH), ông Huỳnh Văn Thòn (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời)...
60 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu được tôn vinh năm 2022. Ảnh: VGP |
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh, doanh nhân Việt Nam vui mừng, tự tin và có quyền tự hào về những đóng góp của mình trong sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng. Tuy nhiên, khẳng định tất cả mới là bước đầu, Chủ tịch VCCI nhận định, cộng đồng doanh nhân nhận thức rõ chặng đường phía trước còn dài, sứ mệnh của doanh nhân là rất nặng nề trước mục tiêu và khát vọng của dân tộc.
“Văn hoá soi đường quốc dân đi, văn hoá cũng soi đường doanh nhân tiến lên. Không có đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh thì không có phát triển bền vững, và doanh nhân, doanh nghiệp dù lừng lẫy đến đâu cũng sẽ biến mất”, ông Phạm Tấn Công nói.
Cũng nói về sự phát triển của doanh nhân, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải bày tỏ, trong quá trình phát triển vừa qua, đã có những doanh nghiệp trục lợi, rất nhiều trường hợp đã vượt quá quy định pháp luật cho phép, lâm vào vòng lao lý. Vì vậy, vị này cho rằng, các doanh nhân cần đề cao thượng tôn pháp luật một cách nghiêm túc, hết sức gương mẫu để thực hiện công bằng, minh bạch, liêm chính.
Ý kiến bạn đọc