Doanh nghiệp ngành thép có bị tác động khi Hoa Kỳ đánh thuế 25%?
![]() |
Công chức Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 3 kiểm tra thép nhập khẩu. Ảnh: T.H |
Mức độ ảnh hưởng không nhiều
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, nhiều lo ngại cho rằng mức thuế mới này được thực thi có thể khiến các doanh nghiệp xuất khẩu thép và nhôm của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng đến từng doanh nghiệp thép sẽ có sự khác biệt.
Đánh giá về sự tác động này, các chuyên gia của SSI Research cho rằng, đối với Việt Nam, nhập khẩu thép vào Mỹ đã bị đánh thuế 25% kể từ năm 2018 theo Mục 232 nên thép của Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế này.
Mức thuế mới thậm chí có phần tích cực đối với ngành thép Việt Nam vì đưa mức thuế nhập khẩu của Việt Nam (trước khi tính đến các loại thuế bảo hộ khác) ngang hàng với các quốc gia khác.
Bên cạnh đó, xuất khẩu thép của Việt Nam sang các quốc gia bị ảnh hưởng như Mexico và Canada cũng tương đối nhỏ. Theo dữ liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính đến tháng 12/2024, các quốc gia bị ảnh hưởng không nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam.
Một điểm nữa cần xem xét là tác động cuối cùng có thể phức tạp để xác định vì có một số loại thuế khác như CVD (thuế đối kháng) và AD (thuế chống bán phá giá), trong đó thuế AD vẫn đang trong quá trình điều tra.
Gần đây, Mỹ đã phát hành kết quả điều tra sơ bộ và thuế CVD đối với thép chống ăn mòn của Việt Nam, theo đó, HSG và GDA nhận được mức thuế tối thiểu (~0,13% và 0%). Kết quả sơ bộ AD dự kiến sẽ được công bố trong những tháng tới.
Tuy có xu hướng tăng dần, nhưng tỷ trọng xuất khẩu thép Việt Nam đi Mỹ chiếm tỷ trọng không quá lớn, khoảng 14% trong 2024.
Công ty cổ phần FIDT cũng cho rằng, mức độ của sự kiện này đến ngành thép Việt Nam sẽ không quá lớn do thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng không quá trọng yếu của Ngành Thép Việt Nam.
Giá thép có xu hướng tăng khi Mỹ đánh thuế; đợt đánh thuế này không làm thay đổi năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ.
Triển vọng 2025 tích cực
Theo đánh giá của các chuyên gia SSI, sản lượng xuất khẩu có thể chậm lại do sự gia tăng các rào cản thuế trên toàn cầu. Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến sẽ phục hồi 1,2% trong năm 2025 sau khi giảm 0,9% trong năm 2024.
Nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính như châu Âu, Hoa Kỳ và ASEAN dự kiến sẽ tăng từ 2% đến 3,5% so với cùng kỳ do kỳ vọng về việc nới lỏng chính sách tiền tệ toàn cầu.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng cảnh báo xuất khẩu thép có thể đối mặt với nhiều áp lực hơn từ chính sách bảo hộ trên toàn cầu.
Một trong những vụ việc đáng chú ý là cuộc điều tra chống bán phá giá của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đối với thép chống ăn mòn (CORE) nhập khẩu từ Việt Nam cùng với 9 quốc gia khác.
Hoa Kỳ chiếm 14,4% xuất khẩu thép của Việt Nam, đứng sau châu Âu (22,4%) và ASEAN (25,2%).
Trong năm 2025, nhiều dự báo cho rằng ngành thép sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức như tình trạng dư cung ở Trung Quốc vẫn tiếp diễn khiến cho giá bán đầu ra liên tục giảm và neo ở mức thấp.
Mỹ đánh thuế mạnh các sản phẩm từ thép ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, FIDT vẫn đánh giá khả quan cho ngành thép với triển vọng của thị trường tiêu thụ nội địa khi bất động sản phục hồi, đẩy mạnh đầu tư công và chính sách phòng vệ thương mại giảm bớt áp lực từ thép Trung Quốc. Ước tính năm 2025, mức tiêu thụ nội địa khoảng 21 triệu tấn thép (+10% YoY).
Trong đó, FIDT đánh giá cao tiềm năng của Hoà Phát khi thị trường tiêu thụ thép trong nước đang có triển vọng chắc chắn hơn so với thị trường xuất khẩu.
Ước tính 2025, tổng sản lượng tiêu thụ của Thép Hòa Phát khoảng 9,5 triệu tấn. Mặt khác, biên lợi nhuận doanh nghiệp vẫn duy trì mức tốt. Tuy giá thép giảm, nhưng theo FIDT, giá nguyên vật liệu đầu vào (than cốc, quặng sắt ..) đang giảm sâu hơn giá bán đầu ra.
Một điểm sáng nữa đến từ dự án Dung Quất 2 dự kiến chính thức đi vào hoạt động trong năm 2025.
Dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2 có 2 lò cao, sản phẩm chính là thép cuộn cán nóng và thép chất lượng cao với tổng công suất 4,6 triệu tấn/năm. Khi dự án đi vào hoạt động hoàn toàn năng lực sản xuất của Thép Hòa Phát tăng khoảng 50% so với hiện tại.
SSI Research cũng nhìn nhận triển vọng ngành thép năm 2025 vẫn tích cực dựa trên giá thép đã chạm đáy, nhu cầu nội địa mạnh hơn từ sự phục hồi của ngành bất động sản và đầu tư công mạnh mẽ và kỳ vọng có thể sẽ có thuế chống bán phá giá đối với HRC của Trung Quốc và Ấn Độ trong giả định cơ sở.
Ngoài ra, SSI nhận định, nhu cầu nội địa có thể duy trì tăng trưởng ổn định trong thời gian tới với mức tăng 10% trong năm 2025, khi thị trường bất động sản đã có sự phục hồi mạnh trong năm 2024 (số lượng căn mở bán mới đã tăng gấp đôi so với năm 2023). Ngoài ra, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm cuối của nhiệm kỳ 2021-2025 cũng sẽ giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ thép.
Các dự án hạ tầng lớn trong dài hạn bao gồm các tuyến cao tốc (cả Bắc Nam, và cả Đông-Tây để kết nối tốt hơn), các sân bay và cảng biển (như Cần Giờ ở TPHCM và cảng Nam Đồ Sơn ở Hải Phòng), và đường sắt.
Ý kiến bạn đọc