Doanh nghiệp muốn Chính phủ "đặt hàng" tham gia các dự án trọng điểm
![]() |
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP |
Thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng
Ý kiến từ đại diện một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinGroup cho rằng, sự hỗ trợ từ Nhà nước sẽ là động lực lớn thúc đẩy nhanh quá trình này.
Ví dụ như việc gia hạn chính sách lệ phí trước bạ với xe điện hoặc áp dụng giá điện ưu đãi cho người sử dụng xe điện như các nước tiên tiến đã làm sẽ góp phần khuyến khích người dân lựa chọn các phương tiện thân thiện với môi trường.
Đại diện VinGroup nhận định, cơ chế khuyến khích hợp lý, làn sóng tiêu dùng xanh sẽ lan tỏa nhanh chóng góp phần hiện thực cam kết phát thải của quốc gia.
![]() |
ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinGroup. Ảnh: VGP |
Cùng với đó cần cơ chế chính sách thông thoáng hơn để mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia kinh doanh điện, góp phần đảm bảo đủ sản lượng, giảm giá thành điện.
Đồng thời thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật quốc gia, hoàn thiện khung pháp lý và đẩy mạnh áp dụng các hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư như xây dựng vận hành được giao (BOT), xây dựng-sở hữu-vận hành (BOO), xây dựng – chuyển giao (BT).
Ông Đỗ Quang Hiển, Nhà sáng lập, Chủ tịch Điều hành Tập đoàn T&T Group cũng cho biết đang đầu tư vào các dự án điện sinh khối, xử lý rác thải, điện rác... tại một số tỉnh.
Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đang tham gia vào một số dự án bất động sản lớn, công nghiệp công nghệ cao, y tế, giáo dục và thể thao.
Do vậy, lãnh đạo T&T kiến nghị với Thủ tướng phải thống nhất về giá lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ngoài ra, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần phải đẩy nhanh hơn nữa.
![]() |
Ông Đỗ Quang Hiển, Nhà sáng lập, Chủ tịch Điều hành Tập đoàn T&T Group. Ảnh: VGP |
Còn theo bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng cần xem xét tiếp tục giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong năm 2024 và năm 2025, không chỉ trong 6 tháng mà cho cả năm.
Ngoài ra cần có các chính sách hỗ trợ tài chính cho các dự án xây dựng và trung hòa carbon, bao gồm cả thuế và thủ tục hành chính.
Đồng thời đề xuất, cần có các chương trình, sáng kiến cấp quốc gia về đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững để các doanh nghiệp có thể tham gia và có những người hướng dẫn cho doanh nghiệp.
Chung tay hợp tác trong các dự án trọng điểm
Về phía doanh nghiệp sản xuất, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát cũng nhận định, kế hoạch 2025-2030 vốn đầu tư công rất lớn, trong đó đặc biệt là dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TPHCM, dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Vì thế, Hoà Phát đảm bảo cung cấp thép chế tạo cho Tổng Công ty đường sắt để làm dự án.
Theo dự kiến, cần khoảng 10 triệu tấn thép, Hoà Phát cam kết đảm bảo số lượng 10 triệu tấn, chất lượng, tiến độ giao hàng và giá thấp hơn giá nhập khẩu.
![]() |
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả. Ảnh: VGP |
Cũng liên quan đến các dự án trọng điểm quốc gia, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, doanh nghiệp cần sự nối kết của Chính phủ khi cùng chung tay hợp tác.
Đặc biệt, cần cụ thể việc "đặt hàng" cho doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án trọng điểm chiến lược như đường sắt tốc độ cao, metro...
Cùng với đó là tạo niềm tin để doanh nghiệp kiên định đồng hành cùng đất nước.
Chính phủ cần giải quyết các bất cập từ thể chế chính sách đã tồn tại nhiều năm không được giải quyết, xử lý triệt để đối với các dự án bị đình trệ, gây lãng phí.
Ông Hồ Minh Hoàng cũng đề nghị Chính phủ đồng hành để doanh nghiệp tư nhân trong nước hòa nhập quốc tế; tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước học tập mô hình từ các quốc gia tiên tiến nhằm nâng cao năng lực thiết kế, thi công, quản lý và vận hành dự án.
Chủ tịch FPT đề nghị "bình dân AI vụ"
Cũng tại cuộc gặp, liên quan đến vấn đề "nóng" là trí tuệ nhân tạo (AI), ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đã đề nghị phải giải phóng tiềm lực khoa học công nghệ.
Bởi theo ông Bình, mối quan hệ giữa GDP và tiềm lực khoa học công nghệ sẽ thành một đồ thị parapol đi lên, nghĩa là khi tăng trưởng GDP thì trình độ khoa học đi lên.
Trước những cơ hội đó, nếu vào những năm khó khăn trước đây, Bác Hồ đặt vấn đề "bình dân học vụ", thì đến nay, ông Bình đề nghị "bình dân AI vụ".
"Đặc biệt trong dịp Tết này, chúng ta nghe nhiều về DeepSeek. DeepSeek làm cho "bình dân hóa trí tuệ nhân tạo", tức là các công ty nhỏ cũng làm được, các công ty vừa và nhỏ cũng đã áp dụng được", lãnh đạo FPT nêu rõ.
![]() |
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT. Ảnh: VGP |
Vì thế, ông Trương Gia Bình đề nghị nhanh nhất có thể đưa AI vào chương trình giáo dục đào tạo của tất cả hệ thống giáo dục.
Tương tự, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghệ CMC cho hay, Công ty đang nhận 2 nhiệm vụ quốc gia.
Trong đó, nhiệm vụ xây dựng hạ tầng điện toán đám mây đứng đầu Việt Nam và cả khu vực là nhiệm vụ đầu tiên. Thứ hai là xây dựng C.OpenAI.
Để có thể hoàn thành nhiệm vụ, lãnh đạo CMC kiến nghị Nhà nước hoàn thiện thể chế, cụ thể Nhà nước giao bộ, ngành, địa phương "KPI" cam kết thời gian giải quyết thực thi cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần có chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi trong 10 năm cũng như có cơ sở để triển khai đào tạo nguồn nhân lực chất lượng về khoa học công nghệ.
Ý kiến bạn đọc