Đạo đức doanh nhân - nền tảng cho hội nhập

(HQ Online) - Trong sự phát triển của các doanh nhân, nền tảng đạo đức là yêu cầu tất yếu, không chỉ để phát triển cộng đồng doanh nghiệp bền vững mà còn tạo động lực để gia tăng giá trị, đưa sản phẩm vươn ra thị trường quốc tế.
Văn hóa doanh nhân tạo nền tảng tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy hội nhập
Việt Nam có 124 doanh nghiệp thương hiệu quốc gia và hơn 7 triệu doanh nhân
Các doanh nhân trẻ cần rèn luyện để có tâm, có tầm, đủ sức nghĩ lớn

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới” vào ngày 11/10 tại Hà Nội.

Hội thảo khoa học với chủ đề “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới”.
Hội thảo khoa học với chủ đề “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới”.

Trụ đỡ và điểm tựa cho doanh nghiệp đứng vững

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, văn hoá chính là nền tảng phát triển của doanh nghiệp, khi nền tảng văn hoá vững thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững.

“Chúng ta đều biết, không bao giờ có hai công ty có cùng một bản sắc và giá trị văn hóa. Để cạnh tranh, đối thủ có thể sao chép nhiều thứ, từ chiến lược, sản phẩm, quy trình cho đến bí quyết công nghệ… song không thể sao chép được những giá trị văn hóa, tinh thần. Để tiện lợi, công nghệ có thể thay thế được nhiều thứ song không thể thay thế được niềm tin, đạo đức và kết nối tinh thần giữa mọi người”, ông Nguyễn Xuân Thắng cho hay.

Đặc biệt, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, văn hóa, đạo đức kinh doanh là “trụ đỡ”, “điểm tựa” giúp doanh nghiệp đứng vững trước những biến cố, chấn động bất ngờ, các “cú sốc” của thị trường, của đại dịch Covid-19 và cả những tác động sâu sắc của làn sóng toàn cầu hóa, “cơn bão” chuyển đổi số.

Theo các chuyên gia, hiện Việt Nam có gần 907 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 15,3 nghìn hợp tác xã và khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh. Theo đó, đội ngũ doanh nhân cả nước tham gia lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh là gần 7 triệu người. Chúng ta cũng có khoảng 124 doanh nghiệp (với 283 sản phẩm) được công nhận đạt thương hiệu quốc gia, trong đó có nhiều thương hiệu gây được tiếng vang trong thị trường khu vực, quốc tế.

Còn những doanh nhân kinh doanh bất chấp pháp luật

Tuy nhiên, càng vươn xa phạm vi ra toàn cầu, các doanh nhân, doanh nghiệp càng đối mặt với sức ép cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI thông tin, ở các nước phát triển, những yêu cầu về đạo đức trong sản xuất kinh doanh, về bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang được đề cao. Điều này vừa tạo ra các chuẩn mực mới vừa tạo hàng rào kỹ thuật trong thâm nhập thị trường các nước phát triển. Việc hàng hoá, dịch vụ của các doanh nghiệp châu Âu, Mỹ, Nhật Bản được thị trường chấp nhận trả giá cao hơn cho thấy giá trị kinh tế của uy tín, đạo đức, văn hoá kinh doanh. Nhưng ở nước ta, nguồn sức mạnh từ đạo đức, văn hoá kinh doanh chưa được quan tâm phát huy xứng đáng.

“Cá biệt còn có những cá nhân kinh doanh phi đạo đức, vì lợi ích riêng gây hại cho cả xã hội. Gần đây, chúng ta thấy một số vụ án liên quan đến các doanh nhân có tiếng tăm nhưng kinh doanh bất chấp luật pháp, gây tổn thất lớn cho uy tín của giới doanh nhân, doanh nghiệp, hình ảnh quốc gia”, ông Công nêu rõ.

Thực tế cho thấy, gần đây đã nổi lên nhiều vụ án nghiêm trọng liên quan đến các doanh nhân. Chẳng hạn như vụ án của các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã bị khởi tố với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; hay đại án Việt Á “thổi giá kit test, gian lận nguồn gốc xuất xứ”; hành vi chiếm đoạt tài sản, vi phạm đạo đức kinh doanh của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát...

Theo chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, những bất cập nêu trên có một phần nguyên nhân do hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa hoàn thiện, còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến tình trạng doanh nhân cố tìm những “kẽ hở” để “lách” luật, làm lợi bất chính, vi phạm các chuẩn mực đạo đức. Hơn nữa, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa nên thường tập trung vào mục tiêu ngắn hạn là có doanh thu để tồn tại mà chưa nghĩ đến chiến lược dài hạn hay quan tâm đến lợi ích của người lao động, khách hàng và trách nhiệm cộng đồng…

Mặt khác, từ góc nhìn của một doanh nhân, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Nam Thái Sơn cho hay, khi đi ra thị trường thế giới, sự tự tin của doanh nhân Việt Nam chưa được nhiều. Bên cạnh đó, chữ tín của chúng ta chưa được đề cao so với các doanh nhân trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ và Đài Loan… Đồng thời, nhiều doanh nghiệp nghiêm ngặt trong sản xuất hàng xuất khẩu nhưng lại dễ dãi hơn với hàng nội địa.

Do vậy, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, vấn đề đạo đức và văn hóa kinh doanh cần được lan tỏa mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, để doanh nghiệp phát triển, các cơ quan quản lý cần tạo khuôn khổ để doanh nghiệp có thể làm được tốt.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều