Thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân
Ảnh minh họa: Internet |
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm Tổ trưởng Tổ công tác. Các Tổ phó Tổ công tác gồm: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Tổ phó Thường trực); Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Các thành viên Tổ công tác là lãnh đạo các bộ, cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Tùy thuộc yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác và theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ công tác có thể mời thêm lãnh đạo một số cơ quan trung ương và địa phương liên quan hoặc các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia để phối hợp, tham vấn thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác.
Tổ công tác là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Tổ công tác có nhiệm vụ chủ động tiếp cận, nắm bắt, tiếp nhận thông tin, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân; đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách, có tính chất liên vùng, liên ngành nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương được thành lập tại Quyết định số 1242/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ để cùng tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giải quyết những vấn đề có liên quan.
Bên cạnh đó, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành và địa phương để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19.
Đề xuất hướng xử lý những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cấp có thẩm quyền. Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương; kịp thời đề xuất khen thưởng, kỷ luật các tổ chức, cá nhân có liên quan; thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tổ công tác có quyền yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện, cử cán bộ và giải quyết dứt điểm các vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền của cơ quan đó; mời lãnh đạo các cơ quan trung ương và địa phương liên quan hoặc các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia để phối hợp, tham vấn thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác.
Tổ công tác có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ định kỳ hằng tháng, 3 tháng hoặc đột xuất theo quyết định của Tổ trưởng Tổ công tác hoặc theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về tình hình, kết quả, tiến độ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Tổ công tác chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Quyết định này và Quy chế hoạt động của Tổ công tác. Tổ công tác làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số, đề cao trách nhiệm cá nhân của từng thành viên và người đứng đầu; các thành viên thực hiện nhiệm vụ theo chế độ kiêm nhiệm và chịu trách nhiệm về công việc được phân công theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao; bảo đảm kịp thời giải quyết, tháo gỡ, xử lý khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp.
Tổ trưởng Tổ công tác được sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ; Tổ phó thường trực, các Tổ phó Tổ công tác và thành viên Tổ công tác được sử dụng con dấu của cơ quan mình để thực hiện nhiệm vụ được giao của Tổ công tác.
Tổ trưởng Tổ công tác ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ công tác. Thành viên Tổ công tác sử dụng bộ máy hiện có của mình, trong đó phân công một cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý làm đầu mối để giúp việc thành viên Tổ công tác trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo phân công của Tổ trưởng Tổ công tác.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Nhóm giúp việc Tổ công tác để tham mưu, giúp Tổ công tác tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác.
Ý kiến bạn đọc