Tăng tốc kinh doanh nhờ hạ tầng số

(HQ Online) - Ứng dụng công nghệ mới, hạ tầng số trong đó có điện toán đám mây sẽ giúp các doanh nghiệp thay đổi cơ bản cách thức sử dụng các nguồn tài nguyên, cơ cấu vận hành cũng như việc lưu trữ, phân phối và xử lý thông tin.
Gia tăng giá trị nông sản nhờ chuyển đổi số
Kinh tế số - tương lai của tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Việt Nam có đầy đủ cơ sở vật chất, hạ tầng để chuyển đổi số trong nông nghiệp

Ngày 3/12, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức hội thảo: “Xây dựng, bảo mật nền tảng điện toán đám mây - Cơ sở hạ tầng quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp”.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: H.Dịu
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: H.Dịu

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, hạ tầng số phát triển là bệ phóng cho chuyển đổi số, giúp hoàn thành mục tiêu thúc đẩy kinh tế số đóng góp 20% GDP toàn nền kinh tế trong giai đoạn 2021-2025 tại Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế được Quốc hội vừa mới thông qua. Trong đó, tại Việt Nam, điện toán đám mây là một trong các trọng tâm của chiến lược hạ tầng số, bên cạnh hạ tầng kết nối viễn thông như 5G, một số nền tảng (platform) thiết yếu, hay hệ thống đường truyền internet cáp quang…

Theo số liệu của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện có 39 nhà cung cấp dịch vụ đám mây, 27 trung tâm dữ liệu của 11 doanh nghiệp. Tổng giá trị thị trường điện toán đám mây năm 2020 là 196,11 triệu USD và dự báo năm 2026 là 603,34 triệu USD, tốc độ tăng trưởng đạt 18,8%/năm.

Ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, Bộ được giao xây dựng Quy hoạch phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến năm 2050. Trong đó, có xây dựng dự báo, quy hoạch về phát triển hạ tầng điện toán đám mây đến năm 2025. Quy hoạch về hạ tầng điện toán đám mây dự kiến được xây dựng để thúc đẩy phát triển điện toán đám mây cho chính phủ số và hệ thống trung tâm dữ liệu (DC) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp tại hội thảo, các doanh nghiệp áp dụng được điện toán đám mây sẽ tạo được sự linh hoạt trong chuyển đổi mô hình, đảm bảo an toàn thông tin, tiết kiệm chi phí, đẩy nhanh các hoạt động sản xuất – vận hành…

Nói cụ thể hơn, ông Đồng Sỹ Cường, Giám đốc Trung tâm Giải pháp và dịch vụ số Viettel IDC cho hay, với các doanh nghiệp ngành thương mại dịch vụ, điện toán đám mây giúp tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng thông qua dịch vụ tăng tốc website, lưu trữ dữ liệu, truy xuất thông tin và hóa đơn nhanh chóng, tối ưu vận hành và quản lý trong ngành logistics hay thương mại điện tử…

Tương tự, với các doanh nghiệp ngành sản xuất, điện toán đám mây giúp nghiên cứu và thiết kế sản phẩm, xây dựng nhà máy thông minh, cải thiện khả năng vận hành, đổi mới công nghệ… từ đó giúp giảm chi phí nhân sự và nâng cao độ bảo mật.

Trong một chia sẻ gần đây, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM cho biết, Covid-19 làm đứt gãy thị trường nhưng các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn giữ được liên lạc với các bạn hàng thông qua công nghệ, các showroom ảo trực tuyến…, nhờ đó, các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn có thời điểm tăng trưởng 60% doanh số. Nên vị này nhấn mạnh, nếu Covid-19 xảy ra cách đây 5 năm thì doanh nghiệp sẽ chịu “thiệt hại kép” khi đứt gãy thị trường và mất liên lạc với khách hàng.

Vì thế, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho rằng, để thích ứng được với bối cảnh mới, các doanh nghiệp buộc phải tìm kiếm các giải pháp xây dựng hạ tầng số an toàn, bảo mật để chuyển đổi mô hình kinh doanh thích ứng với điều kiện khó khăn hiện tại. Ngoài ra, doanh nghiệp cần phát triển sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu mới của thị trường; kết nối chặt chẽ với đối tác, nâng cao năng lực đổi mới và sức cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc áp dụng công nghệ như thế nào còn phụ thuộc vào việc doanh nghiệp có đủ thế mạnh, năng lực và quyết tâm để thực hiện, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhỏ và vừa, lại đang chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

SHB tối ưu phương thức xác thực cho khách hàng doanh nghiệp trên Internet Banking

SHB tối ưu phương thức xác thực cho khách hàng doanh nghiệp trên Internet Banking

(HQ Online) - Với mong muốn tăng cường tính an toàn bảo mật giao dịch cho khách hàng và tuân thủ quy định của pháp luật, từ ngày 15/05/2024, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) tiến hành điều chỉnh, tối ưu phương thức xác thực giao dịch hiện có cho doanh nghiệp khi sử dụng SHB Corporate Online.

Đọc nhiều