Quản trị doanh nghiệp từ xa như thế nào để “sống sót” qua đại dịch?
Làm việc từ xa khiến doanh nghiệp khó quản trị nhân sự hơn. Ảnh: Internet |
Sáng 18/8, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội đã phối hợp tổ chức tọa đàm trực tuyến: Quản trị nhân sự duy trì hiệu suất trong bối cảnh làm việc từ xa.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho hay, quản trị doanh nghiệp, quản trị nhân sự từ trước đến nay là công việc rất khó, đòi hỏi nhiều kinh nghiệp và kiến thức lâu dài, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, lại còn trong bối cảnh dịch Covid-19 với nhiều tác động tiêu cực.
Cũng về vấn đề này, ông Phan Sơn, chuyên gia tư vấn về quản trị doanh nghiệp tại HRD Academy cho biết, những thách thức đối với doanh nghiệp khi làm việc từ xa bao gồm những khó khăn về làm việc nhóm và giao tiếp, cơ sở hạ tầng công nghệ, không có quyền truy cập các công cụ hay thông tin cần thiết… cùng nhiều khó khăn liên quan đến đời sống của nhân sự.
Do đó, vị chuyên gia này cho rằng, các doanh nghiệp không chỉ phải thích ứng với điều kiện dịch bệnh mà phải có những công cụ, kỹ năng và chính sách làm việc mới để hiệu quả hơn, trong đó cần thiết phải sử dụng các công cụ trực tuyến.
Trong một chia sẻ cách đây không lâu, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty May 10 cho rằng, chuyển sang môi trường làm việc trực tuyến là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, do đặc thù doanh nghiệp sản xuất nên vẫn phải duy trì đội ngũ công nhân làm việc trực tiếp, nhưng những công đoạn, phòng ban nào có thể làm trực tuyến thì cần thực hiện ngay.
Ông Việt lấy ví dụ, trước đây, trước khi xuất khẩu lô hàng, phía đối tác sẽ cử người sang kiểm tra hàng hóa trực tiếp từng đường may, chất liệu cho đến kiểu dáng. Nhưng khi đại dịch khiến đi lại giao thương khó khăn, May 10 đã áp dụng kiểm hàng trực tuyến bằng cách quay video, họp trực tuyến với khách hàng…
Cùng với đó, vấn đề “đau đầu” nhất với không ít doanh nghiệp là quản trị nhân sự, đại diện Công ty Cổ phần VPMilk chia sẻ, cách giao việc khi làm việc trực tuyến và trực tiếp khác nhau, gây khó khăn và ảnh hưởng đến tâm lý nhân sự. Hơn nữa, thời điểm dịch bệnh, giãn cách xã hội cũng khiến các doanh nghiệp khó tuyển dụng và giữ chân nhân tài.
Đồng quan điểm, bà Đinh Thị Thúy, Giám đốc Công ty Cổ phần MISA cho rằng, khi làm việc từ xa, việc quản trị nhân sự sẽ gặp khó khăn do các hoạt động giao tiếp, tác nghiệp với nhân viên bị hạn chế, doanh nghiệp thực hiện các chính sách đãi ngộ không kịp thời, nhất là việc tuyển dụng nhân sự đầy khó khăn.
Do đó, các chuyên gia và doanh nghiệp tại tọa đàm đều cho rằng, các giải pháp về công nghệ sẽ là “lời giải” cho bài toán về quản trị doanh nghiệp và nhân sự.
Chẳng hạn, hiện Công ty Cổ phần MISA có đưa ra phần mềm MISA AMIS HRM giúp quản trị doanh nghiệp và nhân sự, hỗ trợ làm việc từ xa, cập nhật thông tin kịp thời, liên thông dữ liệu, kết nối với các nghiệp vụ quản trị điều hành trong và ngoài doanh nghiệp để tối ưu hiệu quả điều hành, lại tiết kiệm chi phí và tối ưu nguồn nhân lực hợp lý.
Ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh, nếu doanh nghiệp muốn “sống sót” qua mùa dịch thì chuyển đổi số, áp dụng công nghệ, nhất là các giải pháp quản lý tổng thể về quản trị doanh nghiệp sẽ là “cứu tinh”. Các giải pháp công nghệ được tích hợp với quy trình làm việc sẽ giúp các doanh nghiệp đảm bảo tiến độ, triển khai công việc hiệu quả, hỗ trợ lãnh đạo… tạo ra các quyết định phù hợp.
Ngoài ra, để duy trì hiệu suất làm việc từ xa, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa đoàn kết, thích ứng và thay đổi nhanh; lãnh đạo phải luôn đồng hành, chia sẻ tháo gỡ khó khăn kịp thời.
Ý kiến bạn đọc