Phát triển bền vững chuỗi giá trị từ đầu tư liên kết thông qua hợp tác xã

(HQ Online) - Doanh nghiệp được xác định là đầu tàu của liên kết, vì thế để thúc đẩy hợp tác xã (HTX) tham gia liên kết cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết thông qua HTX.
Hợp tác xã tìm đường xuất khẩu Giúp các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã lớn dần Bộ Tài chính chỉ đạo nhiều nhiệm vụ để đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã
Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2024 với chủ đề “Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm”.
Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2024: “Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm”. Ảnh: HD

Ngày 11/4, tại Diễn đàn HTX quốc gia năm 2024, với chủ đề “Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm” do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, hiện cả nước có hơn 31.700 HTX và 133 liên hiệp HTX, trong đó hơn 20.000 HTX nông nghiệp, còn lại là HTX phi nông nghiệp.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Chính phủ có nhiều chính sách khuyến khích HTX tham gia liên kết chuỗi giá trị. Như về ưu đãi tín dụng, HTX được vay tín dụng ưu đãi để sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết tối đa bằng 70% giá trị của dự án... Ngoài ra, HTX còn được giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm khi tham gia mua bảo hiểm cho đối tượng sản xuất nông nghiệp hình thành từ nguồn vốn vay theo Điều 16 Nghị định 55/2015/NĐ-CP. Cùng với đó, Chính phủ có thêm các chính sách ưu đãi giao, cho thuê đất, ưu đãi thuế; hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo; hỗ trợ xúc tiến thương mại và ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; đầu tư kết cấu hạ tầng…

Tuy nhiên, ông Thịnh cho hay, thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp rất khó thực hiện liên kết do không tìm được HTX nông nghiệp đủ mạnh để có thể đứng ra làm đầu mối, nên doanh nghiệp phải hợp đồng trực tiếp với từng hộ nông dân, dẫn đến chi phí cao và dễ gặp rủi ro.

Về vấn đề này, bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cũng nêu, để phát triển chuỗi giá trị ở cấp độ HTX, kinh tế tập thể đòi hỏi sự đổi mới tư duy, đảm bảo liêm chính trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị thông qua thực hành quản trị kinh doanh bền vững, thúc đẩy tính đa dạng và bao trùm trong kinh doanh theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cũng cho rằng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho HTX thông qua bồi dưỡng, nâng cao trình độ và năng lực cho cán bộ quản lý chủ chốt của HTX về trình độ quản trị, kỹ năng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, kiến thức quản trị; đào tạo về chuyên môn kỹ thuật cho thành viên HTX áp dụng quy trình công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp liên kết với HTX. Doanh nghiệp được xác định là đầu tàu của liên kết, vì thế để thúc đẩy HTX tham gia liên kết cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết thông qua HTX. Tạo điều kiện hình thành những mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp - HTX - nông dân gắn với ứng dụng công nghệ cao.

Phát triển bền vững chuỗi giá trị từ đầu tư liên kết thông qua hợp tác xã
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX. Ảnh: VGP

Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế hoạt động, ông Lê Văn Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HTX Xuyên Việt (Hải Dương) cho hay, để thu hút thêm thành viên tham gia HTX cần để bà con thấy được thực tế hiệu quả. Vì thế, HTX muốn phát triển bền vững cần mắt xích quan trọng là hội đồng cố vấn chuyên sâu với sự tham gia của nhà khoa học, chuyên gia, giám đốc HTX “thực chiến” giúp HTX khi mới thành lập không bị “mò đường”, loay hoay trong phát triển sản phẩm, nguồn nhân lực.

Bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan (Bắc Kạn) cho biết, HTX cần đổi mới tư duy, nắm bắt cơ hội trong chuỗi giá trị. Vùng nguyên liệu của HTX được sản xuất theo quy trình hữu cơ, có mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc.

Nói thêm về những hỗ trợ từ cơ quan quản lý, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, NHNN thường xuyên hoàn thiện, bổ sung và làm rõ các chính sách ưu tiên đối với HTX: ưu tiên nguồn vốn vay, chính sách ưu đãi về lãi suất, hạn mức cho vay, thủ tục cho vay, phát triển mở rộng mạng lưới TCTD tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa,..

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng tại khu vực này vẫn còn rất khiêm tốn. Theo con số thống kê của NHNN, đến cuối tháng 2/2024, tín dụng đối với HTX, Liên hiệp HTX đạt 6.024 tỷ đồng (1.200 HTX, Liên hiệp HTX có dư nợ), giảm 1,69% so với cuối năm 2023. Vì thế, để khắc phục khó khăn trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng cần hành động từ hai phía là cơ quan nhà nước và HTX, trong đó cần có tổ chức bảo lãnh vay vốn cho các HTX tăng tiếp cận vốn.

Ông Trần Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nêu Bộ đang phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam triển khai các hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu công nghiệp. Nhưng Thứ trưởng cho rằng cần tăng tỷ trọng đầu tư cho các hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển HTX, ưu tiên hỗ trợ các HTX nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao trong sản xuất…

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy liên kết

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật để phát triển kinh tế tập thể, HTX.

Trong phát triển kinh tế tập thể, HTX, việc liên kết theo chuỗi giá trị là mô hình kinh tế đã được khẳng định mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể tham gia. Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chính sách và có nhiều chỉ đạo về liên kết phát triển sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp.

Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, theo Phó Thủ tướng, khu vực kinh tế tập thể, HTX vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Chẳng hạn, năng lực sản xuất kinh doanh của các HTX còn yếu, manh mún; số HTX xây dựng được thương hiệu sản phẩm chưa nhiều, giá trị cạnh tranh trên thị trường chưa cao; tính liên kết trong nội bộ HTX còn yếu…

Vì thế, để liên kết phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm, Phó Thủ tướng đề nghị tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy liên kết, phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm. Cùng với đó phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế tập thể, HTX; tổ chức củng cố, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung…

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều