Nợ xấu tại một số ngân hàng đã tăng lên

(HQ Online) - Trong quý 3, tình hình dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp trong nước đã khiến nợ xấu của nhiều ngân hàng tăng lên, nhất là tại những ngân hàng nhỏ và vừa.
Cảnh báo nợ xấu từ vay tiêu dùng
Thêm thời gian giãn nợ, cơ cấu nợ có giúp ngân hàng vơi nỗi lo nợ xấu?
Thận trọng với rủi ro nợ xấu và bảo đảm an toàn vốn
0755-bai-duoi
Từ đầu năm 2021, nhiều chuyên gia cảnh báo, tác động của đại dịch Covid-19 tới các ngân hàng có độ trễ, nợ xấu sẽ có xu hướng tăng lên. Ảnh: Internet

Trong số các ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh và báo cáo tài chính, Vietbank là ngân hàng duy nhất có kết quả kinh doanh quý 3 đi lùi, khi giảm tới 20% so với cùng kỳ năm trước. Phân tích báo cáo tài chính quý 3 của Vietbank còn cho thấy, tính đến 30/9/2021, tổng nợ xấu của ngân hàng này là hơn 1.240 tỷ đồng, tăng 58,5% so với đầu năm. Trong khi dư nợ cho vay của Vietbank chỉ tăng 4,8% lên gần 47.000 tỷ đồng. Do vậy, tỷ lệ nợ xấu đã tăng đáng kể từ mức 1,75% tại thời điểm đầu năm lên 2,65% sau 9 tháng 2021.

Tương tự, do hoạt động chủ yếu ở địa bàn TPHCM và các tỉnh miền Nam, Saigonbank bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, tất cả hoạt động kinh doanh của ngân hàng đều có lãi nhưng mảng cốt lõi nhất là cho vay tăng chậm, chi phí dự phòng rủi ro tăng gần 58% lên 42,6 tỷ đồng.

Đặc biệt, tổng nợ xấu của Saigonbank tăng 38%, lên mức 309 tỷ đồng tại ngày 30/9/2021. Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ nhóm 3, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) dù giảm nhẹ nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu nợ xấu. Vì thế, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của Saigonbank tăng từ mức 1,44% hồi cuối năm trước lên 2,05% vào cuối tháng 9/2021.

Theo Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú, 10 năm qua, việc xử lý nợ xấu rất vất vả, phải có Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu hỗ trợ. Nếu không có dịch, mục tiêu nợ xấu dưới 3% sẽ đạt được. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, doanh nghiệp không có dòng tiền, không thể trả nợ, do đó nợ xấu nền kinh tế phát sinh và tăng lên là điều tất yếu.

rong bối cảnh này, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng tích cực phòng ngừa rủi ro, đẩy mạnh trích lập dự phòng. Các ngân hàng được phép trích lập trong 3 năm, mỗi năm tối thiểu 30% nợ cơ cấu lại.

Tại ABBank, chất lượng nợ vay cũng có dấu hiệu đi xuống, khi tính đến 30/9/2021, tổng nợ xấu của ABBank tăng 46% so với đầu năm, lên mức gần 1.940 tỷ đồng. Trong khi nợ nhóm 4 giảm 21% thì nợ nhóm 3 lại tăng mạnh gấp 3 lần, nợ nhóm 5 cũng tăng tới 52% so với hồi đầu năm. Vì thế, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ngân hàng này đã tăng lên 2,91%, so với mức 2,09% hồi cuối năm 2020.

Trong 9 tháng, NCB ghi nhận lãi trước thuế gần 206 tỷ đồng, gấp 7,2 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, tổng nợ xấu của NCB lại tăng 31% so với đầu năm. Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ dưới tiêu chuẩn, đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 1,51% của đầu năm lên 1,94%.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2021 vừa công bố, PG Bank đã báo lãi quý 3 gấp 4,6 lần cùng kỳ nhưng nợ xấu lại tăng 13% so với đầu năm, ghi nhận 708 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất 52%, đưa tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 2,44% đầu năm lên 2,75%.

Trong khối ngân hàng lớn, dù có mức lợi nhuận trước thuế 9 tháng là hơn 17.000 tỷ đồng, dự báo sẽ cao hơn “ông lớn” Vietcombank, nhưng khối lượng nợ xấu của Techcombank đã tăng 41% so với đầu năm, lên mức gần 1.830 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất đến 74%. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay của ngân hàng này tăng từ 0,47% vào đầu năm lên 0,57% sau 9 tháng.

Báo cáo của Chính phủ lên Quốc hội về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, trong đó có kế hoạch tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng cũng nhìn nhận, Covid-19 có thể khiến mục tiêu nợ xấu không hoàn thành. Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tới cuối tháng 6/2021, nếu tính cả nợ nội bảng, nợ ngoại bảng và nợ cơ cấu lại thì tỷ lệ nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn lên tới 7,21% (cuối năm 2020 là 5,08%).

Hiện vẫn còn rất nhiều ngân hàng chưa công bố báo cáo tài chính, nhất là những ngân hàng lớn nên có thể bức tranh nợ xấu sẽ có màu sắc khác. Nhưng hiện tại, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng lên tại các ngân hàng nhỏ và vừa, nguyên nhân do các ngân hàng lớn đã tích cực tăng mạnh "bộ đệm" dự phòng rủi ro, khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao hơn, nên dù ảnh hưởng không tốt đến lợi nhuận nhưng lại có "bức tranh" nợ xấu sáng sủa hơn.

Do đó, bên cạnh việc các ngân hàng phải tăng nguồn dự phòng rủi ro, việc xử lý nợ cũng đang được rốt ráo thực hiện. Thời gian qua, nhiều ngân hàng đã tập trung xử lý các tài sản đảm bảo của khách hàng vay nợ, giúp phần nào giảm khối lượng nợ xấu. Điều đáng mừng là ngày 15/10 vừa qua, Công ty TNHH Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã chính thức công bố đưa Chi nhánh Sàn giao dịch nợ đi vào hoạt động. Nhiệm vụ của Sàn giao dịch nợ là trở thành trung tâm môi giới, tư vấn cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu mua, bán các khoản nợ và tài sản đảm bảo của các khoản nợ.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

SHB năm thứ hai liên tiếp được vinh danh Ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất

SHB năm thứ hai liên tiếp được vinh danh Ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất

(HQ Online) - SHB lần thứ hai liên tiếp là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất 2024”. Tín dụng xanh tại SHB 2023 tăng trưởng ấn tượng so với năm 2022, qua đó, khẳng định vị thế là một trong số các ngân hàng TMCP tư nhân tích cực cho vay xanh tại Việt Nam.

Đọc nhiều