Nhiều doanh nghiệp từ chối hỗ trợ lãi suất 2% vì thủ tục phức tạp

(HQ Online) - Với sự hối thúc từ Chính phủ và sự chậm trễ trong triển khai thực tế, sáng 26/8, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn trong triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước.
Vì sao ngân hàng chậm triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%?
Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Gần 3 tháng triển khai, mới có 550 khách hàng được vay
Tiếp cận gói hỗ trợ 2% lãi suất sẽ thuận lợi hơn?
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị.

Chậm trễ vì thủ tục phức tạp

Theo đánh giá, kết quả thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 2% còn nhiều hạn chế, nên tại hội nghị, đại diện lãnh đạo của hàng loạt ngân hàng đã giãi bày khó khăn, vướng mắc khi thực hiện giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Theo báo cáo nhanh từ các ngân hàng thương mại, đến nay, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.407 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.300 tỷ đồng. Dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8/2022 khoảng 13,5 tỷ đồng.

Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho hay, tính đến 22/8/2022, dư nợ của các hợp đồng tín dụng ký kết từ 1/1/2022 của khách hàng thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất qua rà soát, nhận diện tại Agribank là 40.000 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, dư nợ được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP đạt khoảng 1.700 tỷ đồng, doanh số cho vay khoảng 1.900 tỷ đồng với 361 khách hàng, số tiền lãi hỗ trợ cho khách hàng là 1,5 tỷ đồng (31/7/2022 là 837 triệu đồng).

Dự kiến trong tháng 9, Agribank sẽ thực hiện hỗ trợ lãi suất cho khách hàng với dư nợ lũy kế được hỗ trợ là 8.500 tỷ đồng, số tiền lãi hỗ trợ khoảng 15 tỷ đồng và đến hết năm 2022 số tiền hỗ trợ lãi suất sẽ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.

Theo Phó tổng giám đốc Agribank, việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất còn chậm là do bốn vướng mắc chính. Thứ nhất là, đa số khách hàng của Agribank hoạt động trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn là khách hàng cá nhân, nên nhiều hợp đồng tín dụng đã ký kết với khách hàng trước thời điểm 1/1/2022 không đủ điều kiện để được hỗ trợ. Thứ hai là những vướng mắc liên quan đến hồ sơ, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay. Thứ ba là thiếu hướng dẫn về ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh được hỗ trợ. Thứ tư là chương trình hỗ trợ lãi suất được lấy kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước nên chi nhánh ngân hàng, khách hàng cũng thận trọng trong quá trình thực hiện.

Tương tự, ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, việc hỗ trợ khách hàng vẫn còn chậm khi hiện mới có khoảng trên 20 khách hàng được hỗ trợ, các chi nhánh thì có khoảng 50 trường hợp có đơn xin hỗ trợ nhưng chưa được phê duyệt do không đáp ứng yêu cầu. Vì thế, vị này bày tỏ băn khoăn khi khó đánh giá và xác định tiêu chí về khách hàng có khả năng phục hồi. Ngoài ra, một số nhóm khách hàng có vốn vay bằng USD, trong khi quy định chỉ hỗ trợ việc vay vốn bằng VND.

Cho biết mới tiếp nhận được hơn 300 hồ sơ, giải quyết hỗ trợ lãi suất cho 20 khách hàng với doanh số 4.600 tỷ đồng, theo ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV, ngân hàng lo ngại về việc xác định khả năng trả nợ của doanh nghiệp ở tương lai. Nếu 1-2 năm tới xác định lại, khả năng trả nợ của khách hàng không có thì sẽ bị đánh giá là xác định sai.

Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Phó Tổng Giám đốc VietinBank bày tỏ, nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng kinh doanh đa ngành nghề việc bóc tách lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất cũng như chứng từ chứng minh đồng vốn vay được sử dụng cho lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất là rất khó.

Ngoài những vấn đề về thủ tục phức tạp, lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng nêu ra nguyên nhân về việc nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện từ chối tham gia vì e ngại thủ tục rườm rà và ngại thanh tra, hậu kiểm về sau.

Ban hành tiêu chí cụ thể, mở rộng đối tượng hỗ trợ

Từ những khó khăn nêu trên, để đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%, ông Phạm Toàn Vượng kiến nghị các bộ, ngành, NHNN xem xét mở rộng đối tượng hỗ trợ lãi suất, cụ thể là đối với khách hàng là hộ kinh doanh không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Hai là, đề nghị các cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan quản lý nhà nước thống nhất hướng dẫn các nội dung trong triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, đặc biệt là các nội dung về hóa đơn, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn đối với khách hàng khi giải ngân sử dụng bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ.

Đại diện lãnh đạo Vietcombank cũng kiến nghị, NHNN phải phối hợp với các bộ, ngành ban hành tiêu chí cụ thể về khả năng phục hồi và mở rộng phạm vi khách hàng được hỗ trợ, cho phép các hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh được hỗ trợ lãi suất.

Một số lãnh đạo ngân hàng khác đề nghị, các bộ, ngành liên quan có giải pháp tháo gỡ về hóa đơn bán lẻ, dư nợ các khoản vay bằng ngoại tệ, mở rộng đối tượng về xuất khẩu lúa gạo, xây lắp... Đồng thời, có giải pháp giải tỏa tâm lý e ngại về thanh kiểm tra cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, lãnh đạo nhiều ngân hàng mong muốn các cơ quan truyền thông tích cực vào cuộc, thông tin đầy đủ, rõ ràng chính sách và chủ trương của Chính phủ về chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, tránh hiện tượng phản ánh không đúng khi thực tế khách hàng không đúng đối tượng, đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất theo quy định.

Phản hồi những kiến nghị của các ngân hàng, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN cho biết, NHNN sẽ cùng các cơ quan chức năng trao đổi, làm rõ vướng mắc trong cơ chế chính sách để khách hàng, ngân hàng mạnh dạn tham gia gói hỗ trợ lãi suất, tránh tâm lý làm đúng mà không dám làm vì sợ vi phạm.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

SHB tối ưu phương thức xác thực cho khách hàng doanh nghiệp trên Internet Banking

SHB tối ưu phương thức xác thực cho khách hàng doanh nghiệp trên Internet Banking

(HQ Online) - Với mong muốn tăng cường tính an toàn bảo mật giao dịch cho khách hàng và tuân thủ quy định của pháp luật, từ ngày 15/05/2024, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) tiến hành điều chỉnh, tối ưu phương thức xác thực giao dịch hiện có cho doanh nghiệp khi sử dụng SHB Corporate Online.

Đọc nhiều