Nhiều "đại gia" Việt bứt phá nhờ cải tiến năng suất, chất lượng

(HQ Online) - Suốt thời gian qua, nhờ tập trung cải tiến năng suất, chất lượng hàng hóa từ những chi tiết nhỏ nhất, đơn giản nhất, không ít doanh nghiệp Việt đã thu về kết quả khả quan trong sản xuất kinh doanh, nâng cao tính cạnh tranh.
"Xoáy" vào công nghệ để tham gia sâu chuỗi cung ứng toàn cầu
Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm
Chương trình cải tiến năng suất, chất lượng đạt hiệu quả tích cực
Ảnh: Nguyễn Thanh
Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong thời gian tới. Ảnh: Nguyễn Thanh

Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam từ lâu không còn là cái tên xa lạ trong lĩnh vực cung ứng nội thất văn phòng, gia đình tại thị trường nội địa.

Đáng chú ý, trong 3 năm gần đây, doanh nghiệp này đã và đang hợp tác với chuyên gia Nhật Bản tư vấn và đào tạo về quá trình sản xuất theo TPS (Hệ thống sản xuất Toyota -PV) và cải tiến được các điểm chưa hợp lý trong quá trình sản xuất bao gồm cả thao tác, công nghệ, thiết bị, khuôn cối, lập và quản lý kế hoạch sản xuất…

Sau một thời gian hợp tác, Xuân Hòa đã có nhiều cải tiến lớn trong việc sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ, trong quá trình sản xuất, Công ty nhận thấy dòng chảy sản xuất bị ứ đọng tại dây chuyền sơn, công việc bao gói tủ không đạt tiến độ khiến việc giao hàng bị chậm trễ và chi phí sản xuất tủ hiện cao hơn so với đối thủ.

Bên cạnh đó, tỷ lệ sản phẩm hỏng móp méo trước khi bao gói và tỷ lệ sản phẩm xuất cho khách thiếu chi tiết, linh kiện còn tương đối cao.

Do vậy, từ tháng 1/2020, Nhóm cải tiến của Công ty đã được thành lập và bắt đầu triển khai dự án “Cải tiến năng suất chất lượng dây chuyền sơn và bao gói đóng hộp tủ sắt”.

Ngay sau 3 tháng triển khai dự án, Công ty đã ghi nhận kết quả rất khả quan. Cụ thể, năng suất của dây chuyền sơn tăng thêm 14,2%; năng suất bao gói tăng từ 80 tủ/ca làm việc lên 230 tủ/ca, tương đương tăng 187%; chi phí sản xuất giảm thêm 24.064 đ/tủ...

Chia sẻ với phóng viên Báo Hải quan, lãnh đạo doanh nghiệp này nhấn mạnh: "Cải tiến, đổi mới, nâng cao năng suất, chất lượng không phải là thứ gì cao sang, cầu kỳ, thậm chí đi từ những thứ nhỏ nhặt, bình thường nhất, chỉ cần ngày hôm sau làm được tốt hơn ngày hôm trước cũng đã là sự cải tiến".

Tương tự Công ty Xuân Hòa, câu chuyện của Công ty CP May 10 cũng là ví dụ điển hình về sự cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng trong doanh nghiệp Việt. "Bất cứ hoạt động nào nâng cao năng suất thì May 10 không ngại đầu tư" là lời khẳng định của ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng giám đốc Công ty May 10.

Bằng chứng là, Công ty tổ chức ngày hội ý tưởng hàng năm, các ý tưởng cải tiến được xét thưởng hàng quý. Công ty đã cập nhật một "ngân hàng" sáng kiến để các đơn vị có thể tiếp cận và áp dụng ngay. Giá trị làm lợi nhờ các sáng kiến lên đến hàng chục tỷ đồng.

“Tuy nhiên cơ hội để cải tiến năng suất vẫn còn rất nhiều. Chúng tôi xác định việc nâng cao năng suất chất lượng là quá trình dài, bền bỉ”, ông Long khẳng định.

Góp thêm tiếng nói vào câu chuyện cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng, ông Phan Đăng Danh, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí Phổ Yên cho biết, thông qua việc thành lập hội đồng sáng kiến cải tiến hàng năm, những cải tiến của Công ty đã mang lại nhiều hiệu quả.

Cụ thể, năm 2018, có 797 sáng kiến cải tiến, làm lợi gần 10 tỷ đồng; năm 2019 có 938 sáng kiến cải tiến, làm lợi gần 16 tỷ đồng và năm 2020 có 1.218 sáng kiến cải tiến, làm lợi 18 tỷ đồng. Trong các sáng kiến trên có nhiều đề tài về tự động hóa trong sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

Để cải tiến năng suất, chất lượng hiệu quả từ đó tăng sức cạnh tranh giúp doanh nghiệp Việt tham gia tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bà Đàm Thị Hồng Lan, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Kinh doanh VIETBAY phân tích, doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị rất tốt.

Tuy nhiên bên cạnh sự nỗ lực tự thân, doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn trở ngại, rất cần sự hỗ trợ ở cả ba khía cạnh là thông tin, tài chính và đào tạo nguồn nhân lực.

"Doanh nghiệp hiện đang bội thực về thông tin, ở đâu cũng nói sản xuất thông minh, số hóa nhưng làm thế nào cho từng ngành nghề thì doanh nghiệp chưa được tiếp cận đúng, đủ", vị này phân tích.

Cũng theo bà Đàm Thị Hồng Lan, về tài chính, nhiều doanh nghiệp cảm thấy cần thiết nhưng không đủ tài chính để duy trì cải thiện chuyển đổi số liên tục qua nhiều năm, hy vọng Nhà nước sẽ hỗ trợ trước tiên lĩnh vực, doanh nghiệp trọng điểm và từng bước dần nhân rộng.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều