Ngân hàng kiếm được bao nhiêu tiền từ bán bảo hiểm?

(HQ Online) - Những cú bắt tay hợp tác giữa ngân hàng và các công ty bảo hiểm đã mang về khoản thu nhập kếch xù và liên tục tăng lên trong các năm qua cho các ngân hàng. Do đó, các ngân hàng ngày càng đẩy mạnh mảng kinh doanh này với kỳ vọng tăng trưởng ở mức cao.
Sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm: Bảo đảm quyền lợi cho đối tượng tham gia
Ngân hàng cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới
Bảo hiểm Bảo Việt bắt tay cùng Woori Bank
Phấn đấu năm 2021 có 50% người dân nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng
Ngân hàng kiếm được bao nhiêu tiền từ bán bảo hiểm?
Bancassurance mang lại nguồn doanh thu béo bở cho các ngân hàng.

Những cú bắt tay trăm triệu USD

Việc hợp tác bán chéo các sản phẩm bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) là sự hợp tác mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Trong khi các công ty bảo hiểm tiếp cận được lượng khách hàng lớn hơn thì các ngân hàng cũng đa dạng hóa được hệ sinh thái dịch vụ của mình và mang về nguồn thu không nhỏ. Chính vì vậy, hoạt động này ngày càng trở nên sôi động trong những năm gần đây.

Điển hình như Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam và Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) bắt đầu hợp tác từ năm 2013 và đã xây dựng thành công chiến lược kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng, góp phần giúp doanh thu phí bảo hiểm đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 34% tính từ năm 2014 đến 2020. Doanh số bán bảo hiểm của MSB luôn nằm trong top 10 của thị trường bancassurance, doanh thu thuần từ bảo hiểm nhân thọ năm 2020 tăng trưởng hơn 2 lần so với năm 2019. Hai bên mới đây đã chính thức gia hạn quan hệ hợp tác chiến lược phân phối bảo hiểm thông qua ngân hàng trong vòng 15 năm. Thỏa thuận mới này mở rộng phạm vi phân phối bảo hiểm ra khu vực miền Bắc, nơi MSB đặt trụ sở; đồng thời đưa Prudential Việt Nam trở thành đối tác duy nhất của MSB trên toàn quốc.

Hồi cuối năm 2020, hai thương vụ bancassurance lớn đã được ký kết thành công là Ngân hàng VietinBank ký thỏa thuận hợp tác độc quyền 16 năm phân phối bảo hiểm của Công ty Manulife Việt Nam và Ngân hàng ACB ký kết độc quyền phân phối với Công ty bảo hiểm Sunlife. Trước đó, Vietcombank cũng đã ký kết độc quyền phân phối bảo hiểm với Tập đoàn FWD. Theo tính toán của giới phân tích, những thương vụ đình đám này được dự báo sẽ mang về cho các ngân hàng nguồn thu lên tới hàng trăm triệu USD.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VCBS ước tính mức phí trả trước mà VietinBank nhận được từ thỏa thuận phân phối bảo hiểm độc quyền với Manulife là khoảng 250 triệu USD và sẽ được ghi nhận đều trong 4 năm. Đồng thời, thu nhập từ bancassurance của ngân hàng này sẽ tăng 30-50% so với cùng kỳ trong 5 năm tới.

Với ACB, hợp đồng độc quyền với Sunlife có mức phí trả trước lên tới 370 triệu USD (8.500 tỷ đồng), cao hơn nhiều so với mức phí các ngân hàng có quy mô tài sản tương đương nhận được từ hợp đồng hợp tác bảo hiểm độc quyền. Theo Công ty Chứng khoán VCBS, ACB sẽ ghi nhận phí trả trước trải đều cho giai đoạn 15 năm, tương đương mức lợi nhuận 560 tỷ đồng/năm bắt đầu từ 2021.

Trong khi đó, năm 2020 là năm đầu tiên Vietcombank bắt đầu bán sản phẩm bancassurance của FWD (kể từ tháng 4/2020). Theo Công ty chứng khoán SSI, tổng doanh thu phí bảo hiểm năm đầu tiên đạt 417 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, ngân hàng bắt đầu ghi nhận 20% phí trả trước, khoảng 73 triệu USD, tương đương 1.700 tỷ đồng.

Nguồn thu “béo bở”

Việc bán chéo bảo hiểm đã mang về nguồn thu khổng lồ cho nhiều ngân hàng trong các năm qua và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới. Điển hình như Ngân hàng MB đã thu về gần 5.850 tỷ đồng từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm trong năm 2020, tăng trưởng 39% so với năm 2019. Theo đó, khoản thu này chiếm tới hơn 71% tổng thu nhập dịch vụ của MBBank. Tương tự, hoạt động này đã mang về cho VPBank khoản thu hơn 2.575 tỷ đồng, Techcombank thu 827 tỷ đồng...

Tại VIB, thu nhập từ dịch vụ hoa hồng bảo hiểm trong năm 2020 đạt trên 1.217 tỷ đồng, tăng 9,5% so với 2019. Việc ký kết hợp tác phân phối bảo hiểm nhân thọ độc quyền với Prudential vào cuối năm 2015 đã giúp thu nhập bancassurance của VIB đã liên tục tăng trưởng mạnh trong 4 năm qua.

Ngân hàng OCB cũng ghi nhận trên 616 tỷ đồng doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm, chiếm 67% tổng thu nhập từ phí năm 2020 của ngân hàng. Do tiềm năng của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam rất lớn, OCB đang tiếp tục đẩy mạnh nguồn thu nhập này với mục tiêu tăng trưởng 25%/năm.

Tại nhiều ngân hàng, doanh thu từ bancassurance được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong các năm tới. Điển hình như tại Vietinbank, với giả định trong năm 2021, ngân hàng sẽ bắt đầu ghi nhận 1/5 phí trả trước từ các hợp đồng bảo hiểm độc quyền được ký kết với Manulife trong năm 2020, con số thu về sẽ ở mức khoảng 1.600 tỷ đồng. Theo đó, thu nhập phí ròng từ bancassurance của ngân hàng này sẽ tăng trưởng khoảng 50% so với năm 2020.

Trong khi đó, ACB đã dành tháng 12/2020 để thực hiện chuẩn bị triển khai bán bảo hiểm và đã chính thức bán bảo hiểm theo mô hình nhân viên ngân hàng trực tiếp tư vấn với khách hàng. Nhờ đó, ngân hàng đã giành được vị trí số 1 toàn hệ thống trong tháng 1/2021 với doanh thu phí 137 tỷ đồng (tính theo APE – Phí phải đóng tương đương cho cả năm).

Không dừng lại ở đó, theo ước tính của SSI, trong năm 2021, ngoài khoản phí trả trước (trải đều cho 15 năm) do Sunlife thanh toán, hoa hồng bảo hiểm của ACB sẽ tăng 35% do hoạt động kinh doanh của mảng này trong năm 2020 bị ảnh hưởng bởi đợt giãn cách xã hội vào tháng 4 và việc chấm dứt các hợp đồng trước đây với AIA và Manulife, khiến cho ngân hàng không có thu nhập từ bảo hiểm nhân thọ trong tháng 12/2020.

SSI nhận định, hai hợp đồng bancassurance độc quyền lớn được ký kết giữa ACB với SunLife Việt Nam và VietinBank với Manulife sẽ tạo ra nhiều thay đổi về thị phần bảo hiểm vào năm 2021 trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bảo hiểm nhân thọ. Theo đó, thị phần của AIA sẽ suy giảm do kết thúc hợp đồng phân phối sản phẩm bảo hiểm với ACB. ACB đã đóng góp khoảng 10% tổng doanh thu phí bảo hiểm của AIA Việt Nam trong 9 tháng năm 2020. Trong khi đó, Manulife và SunLife có thể mở rộng doanh thu phí bảo hiểm mạnh hơn nữa. Trong 9 tháng năm 2020, kênh bancassurance chiếm 30% tổng doanh thu phí khai thác mới và 18,3% tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ (so với 29% và 16% tương ứng vào năm 2019).

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

SHB tối ưu phương thức xác thực cho khách hàng doanh nghiệp trên Internet Banking

SHB tối ưu phương thức xác thực cho khách hàng doanh nghiệp trên Internet Banking

(HQ Online) - Với mong muốn tăng cường tính an toàn bảo mật giao dịch cho khách hàng và tuân thủ quy định của pháp luật, từ ngày 15/05/2024, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) tiến hành điều chỉnh, tối ưu phương thức xác thực giao dịch hiện có cho doanh nghiệp khi sử dụng SHB Corporate Online.

Đọc nhiều