Ngân hàng đề nghị không “cào bằng” trong cơ chế cấp room tín dụng

(HQ Online) - Cơ chế room tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) áp dụng từ năm 2011. Đồng thuận về cơ chế này, nhưng các ngân hàng cho rằng, NHNN cần nghiên cứu để hoàn thiện công cụ hạn mức tín dụng cho năm 2023.
Room tín dụng đã nới, doanh nghiệp có được giải “cơn khát” vốn?
Có thể điều chỉnh room tín dụng nhưng mức tăng sẽ phân hóa giữa các ngân hàng
Doanh nghiệp lo cạn vốn khi ngân hàng vẫn bị siết room tín dụng
Ngân hàng đề nghị không “cào bằng” trong cơ chế cấp room tín dụng
Sự ổn định của thị trường tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát. Ảnh: Internet

Tín dụng vọt tăng sẽ kéo theo "cuộc đua" lãi suất

Phân tích về bối cảnh ra đời của quy định về hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng, trong cuộc họp mới đây với các ngân hàng về vấn đề room tín dụng tại NHNN, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, giai đoạn năm 2007-2010, tín dụng tăng bình quân trên 36%, tỷ lệ tín dụng/GDP cũng tăng rất nhanh, kéo theo các "cuộc đua" lãi suất, dẫn đến lãi suất cho vay tăng nhanh, nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng cao. Nhiều tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán, hệ thống đứng trước bờ vực khủng hoảng, gây bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát lên mức 2 con số, đỉnh điểm là vào năm 2008.

Các tổ chức tài chính quốc tế (IMF, WB, ADB,..) đều đánh giá cao điều hành của NHNN trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, IMF khuyến nghị nếu tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sẽ đi ngược lại các công cụ, giải pháp chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát đã được NHNN thực hiện thời gian vừa qua.

Khi đó, các tổ chức quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Moody’s… cảnh báo nới lỏng tín dụng giai đoạn này đã gia tăng nguy cơ rủi ro trọng yếu đối với nền kinh tế, đe dọa an toàn hệ thống, mất khả năng kiểm soát, nợ xấu... Ngoài ra kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nên tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tác động kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, đặc biệt là hoạt động ngân hàng.

Vì thế, từ năm 2011, NHNN đã áp dụng cơ chế room tín dụng, room được xác định dựa vào năng lực tài chính, quản trị, điều hành của từng ngân hàng. Theo đại diện NHNN, tổng kết quá trình triển khai biện pháp phân bổ tăng trưởng tín dụng từ 2011 đến nay, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống giảm mạnh từ 30%/năm (cá biệt có năm lên tới 53,8%) xuống chỉ còn 12-14% những năm gần đây.

“Sự ổn định của thị trường tiền tệ đã góp phần kiểm soát lạm phát, góp phần thúc đẩy các tổ chức tín dụng nâng cao năng lực quản trị điều hành, cải thiện các chỉ số an toàn hoạt động và giảm mặt bằng lãi suất thị trường”, ông Phạm Chí Quang nêu rõ.

Thông tin riêng đến từng ngân hàng là cần thiết

Thực tế, đa số tổ chức tín dụng đánh giá việc điều hành tín dụng của NHNN trong thời gian qua là phù hợp, nhất là trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau dịch và những biến động khó lường của nền kinh tế, nguy cơ nhập khẩu lạm phát lớn nếu như diễn biến lạm phát thế giới chưa kiểm soát được.

Cụ thể, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là một tham số kinh tế vĩ mô rất quan trọng, các ngân hàng trung ương trên thế giới đều kiểm soát chỉ tiêu này trực tiếp hoặc gián tiếp.

Đồng quan điểm, theo ông Lưu Trung Thái, Tổng Giám đốc MB, phương pháp điều hành tín dụng của NHNN và phân bổ room tín dụng hàng năm cho từng tổ chức tín dụng đã phát huy hiệu quả trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB lại nhận định, việc áp dụng chỉ tiêu hạn mức tín dụng cho tiêu chí tham gia xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém là hợp lý, tạo điều kiện hỗ trợ cho các ngân hàng có thêm nguồn lực.

Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng cũng thẳng thắn chỉ ra, NHNN nên xem xét các tiêu chí như tổ chức tín dụng lành mạnh, đáp ứng tiêu chí về an toàn, khuyến khích ở mức độ nhất định với các tổ chức tín dụng tuân thủ các chuẩn mực quốc tế mới như Basel III, mức độ chuyển đổi số…

Hơn nữa, lãnh đạo nhiều ngân hàng còn đề nghị, cần có tỷ lệ phân bổ theo chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng tránh việc phân bổ cào bằng; việc thông tin riêng đến từng tổ chức tín dụng là cần thiết vì phân bổ theo xếp loại không thể công khai ra công chúng ảnh hưởng đến sự cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng.

Cùng với những vấn đề trên, theo các chuyên gia, nền kinh tế đang có xu hướng tập trung quá nhiều vào tín dụng ngân hàng thậm chí kể cả vốn trung và dài hạn, điều đó tạo áp lực lên hệ thống ngân hàng và lâu dài ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Do đó, các cơ quan quản lý cần có giải pháp hiệu quả phát triển và thu hút vốn trung và dài hạn từ các kênh khác như trái phiếu, chứng khoán và thu hút đầu tư nước ngoài…

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc

Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc

(HQ Online) - Ngày 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

Đọc nhiều