Ngân hàng báo lãi lớn trong quý 1

(HQ Online) - Bất chấp dịch bệnh Covid-19 còn hoành hành, nhiều doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường, song các ngân hàng vẫn liên tục báo lãi lớn trong quý 1/2021.
Dự báo mặt bằng lãi suất và phí dịch vụ ngân hàng tiếp tục giảm
Làm gì cho tương lai ngân hàng số tại Việt Nam?
Lợi nhuận 4 “ông lớn” ngân hàng năm khó khăn 2020 ra sao?
Nhiều ngân hàng giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: ST
Nhiều ngân hàng giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: ST

Lợi nhuận đều tăng cao

Hiện một số ngân hàng đã công bố ước tính lợi nhuận quý 1/2021 và đều ghi nhận mức tăng trưởng cao.

SeABank công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận trước thuế quý đầu năm đạt 698,3 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái; cho vay khách hàng cũng tăng 14,3% so với cùng kỳ, đạt 111.050 tỷ đồng.

Tại MSB, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết, đến khoảng cuối tháng 3, tổng doanh thu thuần của ngân hàng đạt khoảng 2.000 tỷ đồng. Tỷ trọng thu nhập từ lãi đạt khoảng 85% và thu ngoài lãi khoảng 33,8%. Lợi nhuận của MSB quý 1/2021 ước đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái.

Còn theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, lợi nhuận của Vietcombank quý 1/2021 ước đạt 7.000 tỷ đồng, cao hơn 34% cùng kỳ năm ngoái và bằng 28% kế hoạch cả năm, tín dụng tăng 3,69% - mức cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm.

Mới đây nhất, tại ĐHĐCĐ của VietinBank, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, kết quả kinh doanh của ngân hàng trong thời gian gần đây đã có sự bứt phá. Trong quý 1/2021, các loại thu nhập hoạt động chính của VietinBank đều tăng trưởng trên 25% so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế quý 1/2021 đạt khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng, tăng 150% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng giám đốc của ACB cũng cho hay, lợi nhuận quý 1/2021 của ngân hàng ước đạt 3.105 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lợi nhuận trước thuế đạt 1.925 tỷ đồng. Tín dụng ghi nhận 320.000 tỷ đồng, tăng hơn 4%. Lượng vốn huy động khoảng 352.000 tỷ đồng và khá cân bằng với hoạt động cho vay.

Điều này khá tương đồng với báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán SSI. SSI ước tính lợi nhuận trước thuế quý 1/2021 của nhóm ngân hàng niêm yết được nghiên cứu sẽ tăng từ 55% - 65% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, các ngân hàng thương mại quốc doanh có khả năng sẽ đạt được mức tăng trưởng ngoạn mục hơn nữa, tăng khoảng 75-85% so với cùng kỳ khi các ngân hàng này đã tăng cường trích lập dự phòng để giải quyết các tài sản có vấn đề. Các ngân hàng thương mại cổ phần dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 45-55% so với cùng kỳ.

Những kết quả kinh doanh như trên đã phần nào phản ánh vào thị giá cổ phiếu ngân hàng, nên trong quý 1/2021, thị giá cổ phiếu ngành này tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu. Trong đó, 21 trên 26 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM ghi nhận cổ phiếu tăng giá, trong đó 10 mã tăng trên 20%, 5 mã tăng trên 50%.

Ngân hàng chưa trích lập đủ dự phòng rủi ro

Tuy nhiên, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 1 của Tổng cục Thống kê cho thấy, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 3 tháng đầu năm 2021 giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 28,2%, doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước.

Điều này đặt ra nghịch lý về kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng so với hoạt động của các doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp khó khăn sẽ kéo theo nhu cầu vay vốn giảm.

Nhưng theo lý giải của nhiều ngân hàng, sở dĩ có nguồn lợi nhuận lớn như trên là do đà phục hồi của nền kinh tế đã giúp các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, từ đó thúc đẩy nhu cầu tín dụng. Đồng thời, các dự án chuyển đổi số sẽ giúp các ngân hàng tối ưu hóa được chi phí hoạt động và chi phí huy động vốn. Các nguồn thu ngoài lãi như hoạt động dịch vụ, kinh doanh bảo hiểm cũng đã và đang lại nguồn thu nhập ổn định cho ngân hàng.

Dù có nhiều yếu tố hỗ trợ cho đà tăng của lợi nhuận ngân hàng năm 2021, song các chuyên gia cho rằng, cần thận trọng với kết quả lợi nhuận của các ngân hàng trong quý 1/2021. Bên cạnh đó, lợi nhuận quý 1/2021 so với nền lợi nhuận rất thấp của quý 1/2020, nên tỷ lệ tăng trưởng cao nhưng số tuyệt đối lớn hơn không nhiều.

Về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhìn nhận, triển vọng tích cực của kiểm soát dịch Covid-19 trong tháng 3 đến nay, cùng với tiến trình sản xuất, cung ứng vắc xin tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu sẽ kéo theo sức cầu tiêu dùng và tín dụng, dịch vụ tài chính tăng lên trong năm 2021. Ngoài ra, thu dịch vụ sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong năm 2021 nhờ động lực đến từ dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng số và kinh doanh trái phiếu, ngoại tệ.

Nhóm chuyên gia trên cũng cho rằng, lợi nhuận quý 1 năm nay không phản ánh đầy đủ, chính xác xu hướng lợi nhuận của cả năm do các ngân hàng chưa trích lập đủ dự phòng rủi ro vì thông thường các ngân hàng trích lập con số khác nhau theo quý và có xu hướng tăng vào thời điểm cuối năm.

Ngoài ra, NHNN vừa ban hành Thông tư 03 và có hiệu lực từ ngày 17/5/2021 nên nhiều ngân hàng chưa trích lập dự phòng rủi ro theo quy định quý 1 là 30%. Vì vậy, sang quý 2, có thể ngân hàng sẽ trích bù.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Phát triển hệ sinh thái để doanh nghiệp không "cô đơn" trong khu công nghiệp

Phát triển hệ sinh thái để doanh nghiệp không "cô đơn" trong khu công nghiệp

(HQ Online) - Hiện cả nước có gần 300 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, nhưng với xu thế về phát triển bền vững, các doanh nghiệp mong muốn KCN được đầu tư phát triển thành hệ sinh thái, cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường cũng như có sự liên kết giữa các doanh nghiệp.

Đọc tiếp

Thép cán nóng HRC trong nước "cung không đủ cầu", có nên hạn chế nhập khẩu?

Thép cán nóng HRC trong nước "cung không đủ cầu", có nên hạn chế nhập khẩu?

(HQ Online) - Theo Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2024, cả nước đã nhập khẩu 2,65 triệu tấn sắt thép các loại, tăng 85,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó thị trường nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, việc sử dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu nguyên liệu thép là vấn đề còn gây tranh cãi.
Chỉ số sức mạnh thương hiệu của Viettel đạt mức cao nhất trong các năm

Chỉ số sức mạnh thương hiệu của Viettel đạt mức cao nhất trong các năm

(HQ Online) - Brand Finance – tổ chức hàng đầu thế giới của Anh vừa công bố Bảng xếp hạng giá trị thương hiệu toàn cầu. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) trở thành thương hiệu viễn thông mạnh thứ 2 thế giới, vượt qua nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn như Swisscom (Thụy Sĩ), Jio (Ấn Độ), STC (Ả Rập Xê Út)…

Đọc nhiều