Lợi nhuận 4 “ông lớn” ngân hàng năm khó khăn 2020 ra sao?
Giao dịch tại BIDV. |
Mới đây, tại Hội nghị triển khai công tác Đảng và hoạt động kinh doanh năm 2021, Tổng Giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết, sau khi giảm lãi suất và phí giao dịch chia sẻ với khách hàng, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, nâng mức dự phòng bao nợ xấu lên mức kỷ lục, hiệu quả kinh doanh của Vietcombank tiếp tục ở mức vượt trội trong số các tổ chức tín dụng.
Theo vị này, lần đầu tiên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Vietcombank đạt mức cao nhất hệ thống. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 22.529 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất đạt xấp xỉ 23.068 tỷ đồng tương đương quy mô như năm 2019.
Còn tại BIDV, lợi nhuận năm 2020 đã sụt giảm hơn so với năm trước. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng thương mại đạt 8.515 tỷ đồng và hợp nhất đạt 9.017 tỷ đồng, vượt kế hoạch tài chính Ngân hàng Nhà nước giao, tuy nhiên vẫn giảm so với năm 2019.
Kết thúc năm 2020, VietinBank ghi nhận mức tăng trưởng lớn nhất trong nhóm “big 4”. Nhờ tín dụng và các hoạt động ngoài lãi đều tăng trưởng tốt, nên lợi nhuận riêng lẻ trước thuế năm 2020 đạt 16.450 tỷ đồng, tăng 43,5% so với năm trước.
Tuy chưa công bố con số cụ thể, song lãnh đạo Agribank cho hay, kết quả kinh doanh năm 2020 đều vượt mục tiêu đề ra như tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt gần 70% tổng dư nợ, chiếm tỷ trọng lớn trong thị phần tín dụng “tam nông” tại Việt Nam.
Có thể nói, những kết quả lợi nhuận nêu trên tuy không bằng năm 2019, nhưng vẫn khả quan với 4 “ông lớn”, bởi từ đầu năm, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã nêu rõ, lợi nhuận của tất cả ngân hàng có vốn nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm tối thiểu là 40% để đóng góp vào việc giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo này, tổng dư nợ được hỗ trợ giảm lãi suất cho vay của Vietcombank khoảng 441.768 tỷ đồng. Vì thế, tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng do giảm lãi suất trong năm 2020 đạt gần 4.000 tỷ đồng. Lãnh đạo Vietcombank cho biết, đây chính là nguyên nhân khiến lợi nhuận không tăng cao.
Tương tự, lợi nhuận của BIDV sụt giảm là do ngân hàng đã chủ động giảm thu nhập hơn 6.400 tỷ đồng để thực hiện cơ cấu nợ, hạ lãi suất và miễn giãm lãi, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân theo chỉ đạo.
Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ cho hay, VietinBank cũng đã cắt giảm gần 5.000 tỷ đồng lợi nhuận từ việc giảm lãi suất cho vay, phí… để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và thực hiện phương án đảm bảo hoạt động liên tục của ngân hàng trong suốt giai đoạn dịch bệnh.
Bước sang năm 2021, đội ngũ ngân hàng thương mại có vốn nhà nước vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng. Cụ thể, BIDV đặt mục tiêu tổng tài sản cuối kỳ tăng trưởng khoảng 9%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 12%, huy động vốn tăng khoảng 12-14,8%, tỷ lệ nợ xấu đảm bảo dưới 1,6%.
VietinBank đặt mục tiêu: tổng tài sản tăng trưởng khoảng 3-6%, tín dụng tăng trưởng khoảng 8-11%, nguồn vốn huy động tăng trưởng 10-12%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%, lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế tăng 10-20%.
Vietcombank cũng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng khoảng 6%, tín dụng tăng khoảng 12%, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%, lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 12%, tương đương khoảng 25.200 tỷ đồng.
Ý kiến bạn đọc