MB sẽ tham gia hỗ trợ một ngân hàng “0 đồng”?
MB báo lãi trước thuế 2021 tăng gần 55%, đạt hơn 16.500 tỷ đồng | |
Những ngân hàng nào được nới "room" tín dụng? | |
Tăng gấp đôi trích lập dự phòng, MB báo lãi quý 3 tăng gần 30% |
Giao dịch tại MB. |
Gần đây, trên thị trường có thông tin Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) sẽ hỗ trợ một trong 3 ngân hàng "0 đồng" - ngân hàng không thể tái cơ cấu, bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại bắt buộc với giá 0 đồng.
Cụ thể, năm 2015, NHNN đã lần lượt ra quyết định mua lại bắt buộc đối với các ngân hàng gồm Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), nhằm tái cơ cấu, đảm bảo sự an toàn, ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, đồng thời góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội
Hiện phía MB vẫn chưa đưa ra ý kiến xác thực hay đính chính thông tin này, nhưng theo các chuyên gia, đây sẽ không phải thông tin tác động tiêu cực cho MB mà còn xem xét một số tác động tiềm năng nếu thương vụ này nhận được sự hỗ trợ phù hợp từ NHNN.
Theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng tham gia hỗ trợ ngân hàng 0 đồng sẽ có nhiều quyền và nghĩa vụ. Chẳng hạn như được sở hữu 100% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc; không phải thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc; được loại trừ ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất; được bán, phát hành cổ phần của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao cho nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt…
Ngoài quyền lợi theo quy định, bên nhận chuyển giao cũng có khả năng sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn.
Do đó, theo ý kiến của các chuyên gia, đây sẽ giống một thương vụ hai bên cùng có lợi, hơn là việc MB hoàn thành một nghĩa vụ bắt buộc nào đó. Tuy vậy, MB cũng sẽ cần thời gian để áp dụng và tích hợp hệ thống cũng như mô hình hoạt động vào ngân hàng “0 đồng”.
Đáng chú ý, thông tin trên càng có cơ sở khi đã có thông tin chính thức về việc MB hỗ trợ một trong 3 ngân hàng “0 đồng” là OceanBank. Bởi vào ngày 15/1/2022, OceanBank tổ chức Hội nghị Triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2022. Tham dự hội nghị, ngoài đại diện lãnh đạo cơ quan quản lý, còn có sự tham dự của Đại tá Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc MB; Trung tá Phạm Như Ánh, Thành viên Ban điều hành, Giám đốc khối CIB của MB.
Phát biểu với tư cách khách mời, Đại tá Lưu Trung Thái cho biết, việc hợp tác với OceanBank vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là cơ hội của MB. Theo lộ trình của NHNN mà Chính phủ đã cho phép, MB sẽ phối hợp cùng OceanBank kiểm tra, hệ thống dữ liệu và xây dựng phương án trình Chính phủ. Theo sự chỉ đạo của NHNN, MB sẽ thảo luận cùng lãnh đạo OceanBank thiết kế chương trình phù hợp cho OceanBank, trong đó cốt lõi là cách thức làm việc trong tương lai.
Cũng theo báo cáo tại Hội nghị, ông Ngô Anh Tuấn, Tổng Giám đốc OceanBank cho biết, năm 2021, tổng tài sản của ngân hàng tăng 2%; cơ cấu lại tài sản có sinh lời, tăng hiệu quả thu nhập. Năm 2021, OceanBank lỗ thấp nhất trong thời gian từ 2016 đến nay và trong 4 năm trở lại đây đã liên tục giảm lỗ lũy kế. Hoạt động cấp tín dụng tăng 9,5%, trong đó dư nợ bán lẻ tăng 13%; dư nợ khách hàng doanh nghiệp tăng 9%. Công tác thu hồi xử lý nợ xấu/nợ có vấn đề đạt 95% kế hoạch. Chi phí hoạt động thấp hơn kế hoạch 179 tỷ đồng.
Năm 2022, OceanBank sẽ tập trung triển khai thực hiện nội dung công tác trong Tổ đề án để phối hợp với Đối tác thực hiện nhanh và hiệu quả việc hoàn thiện đề án tái cơ cấu do Chính phủ và NHNN chỉ đạo; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dư nợ, nợ quá hạn phát sinh; quyết liệt thực hiện các biện pháp thu hồi xử lý nợ xấu, nợ có vấn đề... Đặc biệt, OceanBank cũng phối hợp với MB triển khai chương trình cho vay hợp vốn, kể cả cho vay bán lẻ.
Ý kiến bạn đọc