Tăng gấp đôi trích lập dự phòng, MB báo lãi quý 3 tăng gần 30%

(HQ Online) - Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 và 9 tháng năm 2021 với lãi trước thuế tăng gần 30% do tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro.
Một số ngân hàng được nới "room" tín dụng
Cổ phiếu tăng hơn 80%, MB lãi gần 8.000 tỷ đồng 6 tháng đầu năm
Lãnh đạo MB nói gì về dự định "bán rẻ" cổ phiếu cho Viettel?
Giao dịch tại MB.
Giao dịch tại MB.

Theo đó, trong quý 3/2021, các hoạt động kinh doanh của MB đều cho kết quả khả quan hơn cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần từ hoạt động chính đem về cho ngân hàng hơn 6.515 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 như lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 16% lên hơn 926 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng gấp 2 lần lên hơn 356 tỷ đồng, lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư tăng gấp hơn 2,6 lần lên 408 tỷ đồng…

Nhưng đáng chú ý, trong kỳ, MB dành trên 1.778 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Khoản trích lập này đã khiến MB báo lãi trước thuế chỉ tăng 29%, đạt hơn 3.898 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 3.022 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, thu nhập lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của MB đạt gần 19.030 tỷ đồng, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2020. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 21% so với cùng kỳ, đạt hơn 3.021 tỷ đồng.

Tổng chi phí hoạt động của MB trong 9 tháng năm 2021 đã tăng 17,6% lên mức trên 8.910 tỷ đồng. Hơn nữa, tổng chi phí trích lập dự phòng trong 3 quý cũng đã tăng 44%, lên 6.018 tỷ đồng.

Kết quả, ngân hàng báo lãi trước thuế gần 11.885 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 9.171 tỷ đồng, cùng tăng khoảng 45% so với 9 tháng năm 2020.

Nếu so với kế hoạch 13.200 tỷ đồng lãi trước thuế đề ra cho cả năm 2021 được đặt ra từ đầu năm, MB đã thực hiện được khoảng 90% chỉ tiêu sau 9 tháng.

Về chất lượng nợ cho vay, khối lượng nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn của MB có sự cải thiện hơn so với hồi cuối năm 2020. Hiện nợ nhóm 5 đã giảm tới 62%, xuống chỉ còn 853 tỷ đồng, chiếm 0,25% tổng dư nợ. Tuy nhiên, khối lượng nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ (nhóm 3,4) đều tăng lên lần lượt là 37% và 14%.

Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của MB giảm từ mức 1,09% hồi cuối năm 2020 xuống còn 0,95% sau 9 tháng năm 2021.

Trên thị trường chứng khoán, từ giữa tháng 7 đến nay, sau ngày chốt quyền trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 35%, cổ phiếu MBB của MB có xu hướng đi ngang quanh mức 27.000-29.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, từ tháng 4/2021, MBB luôn giao dịch trên mốc 30.000 đồng/cổ phiếu, bứt phá lập đỉnh 43.450 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 6.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều