Tác động có độ trễ, ngân hàng vẫn "hy sinh" lợi nhuận cho doanh nghiệp
chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng BIDV. |
Ông đánh giá như thế nào về các hành động chia sẻ lợi nhuận để hỗ trợ các doanh nghiệp của ngành Ngân hàng trong năm qua?
Năm 2020, theo tinh thần của Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 cùng nhiều Thông tư khác về hỗ trợ doanh nghiệp, các ngân hàng đã phải làm 4 việc chính.
Thứ nhất là cơ cấu lại nợ mà không chuyển nhóm nợ, vẫn cho vay tiếp. Thứ hai là đã giảm lãi suất đối với các khoản mới và vay cũ. Thứ ba là giảm phí các hoạt động, dịch vụ. Thứ tư là là tiếp tục cung ứng vốn cho nền kinh tế, giúp tín dụng cả năm vẫn tăng khoảng 12% so với năm trước trong bối cảnh dịch bệnh, sức cầu của doanh nghiệp yếu, nhưng nhờ lãi suất và các gói tín dụng ưu đãi hấp dẫn nên vẫn tăng, nhất là khi NHNN yêu cầu không hạ chuẩn tín dụng. Vì thế, theo tính toán của nhóm nghiên cứu BIDV, ngành Ngân hàng đã hỗ trợ, đồng hành cho nền kinh tế trong năm qua lên đến đến 30.000-34.000 tỷ đồng ở tất cả các khoản, mục hỗ trợ.
Tuy nhiên, theo ước tính của nhiều ngân hàng và tổ chức, lợi nhuận cả năm 2020 của ngành Ngân hàng vẫn tăng mạnh?
Đúng là lợi nhuận ngành Ngân hàng vẫn tăng, ước tính lợi nhuận toàn ngành tăng khoảng 8-10% trong năm 2020. Tuy nhiên, nếu so với các giai đoạn trước thì mức tăng này vẫn khá thấp, chỉ bằng 1/3 so với năm trước. Hơn nữa, lợi nhuận công bố và ước tính của các ngân hàng trong năm 2020 chưa phản ánh hết khó khăn, thách thức của hệ thống ngân hàng. Vì tác động của đại dịch tới doanh nghiệp, người dân có độ trễ, sau đó mới đến hệ thống ngân hàng.
Chẳng hạn, với Thông tư 01, NHNN đang cho phép cơ cấu lại, giữ nguyên nhóm nợ, nên các ngân hàng chưa phải trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu tiềm ẩn để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, sắp tới đây, NHNN sẽ có sửa đổi Thông tư 01 theo hướng ngân hàng phải trích lập dần dự phòng rủi ro cho khoản nợ xấu, nên sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2021. Vì thế, tôi dự đoán, nếu may mắn thì lợi nhuận ngân hàng năm 2021 có thể tăng khoảng 10% so với năm trước.
Với sự ảnh hưởng như vậy, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp sẽ được tiếp tục triển khai như thế nào, thưa ông?
Lãnh đạo NHNN cũng đã nói, ngành Ngân hàng tiếp tục cố gắng giảm chỉ tiêu lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua tác động của Covid-19. Vì thế, các hoạt động hỗ trợ, đưa ra các chương trình ưu đãi... tiếp tục được triển khai như năm 2020. Ngoài ra, các ngân hàng cũng đang trích lợi nhuận để đầu tư rất nhiều nguồn vốn cho việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển ngân hàng số, chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chíp… nhằm tăng thu từ dịch vụ. Bởi những năm gần đây, nguồn thu từ dịch vụ bán lẻ đã và đang đóng góp rất lớn vào lợi nhuận toàn ngành, tránh lệ thuộc nguồn thu từ tín dụng.
Do đó, thời gian tới, để hỗ trợ các ngân hàng, NHNN và các cơ quan liên quan cần hoàn thiện thể chế pháp lý, đặc biệt là cơ sở pháp lý liên quan đến các mô hình kinh doanh mới như: công nghệ tài chính (fintech), cho vay ngang hàng (P2P), ví điện tử…
Xin cảm ơn ông!
Ý kiến bạn đọc