Lo ngại tình trạng “luật ống”, “luật khung” quay trở lại

(HQ Online) - Theo phản ánh của các doanh nghiệp, chất lượng của các văn bản pháp luật chưa thực sự tốt, việc áp dụng pháp luật bị lệ thuộc quá lớn vào thông tư đã khiến cho những lo ngại về tình trạng “luật ống”, “luật khung” quay trở lại.
Sửa Luật Giá: Tránh chồng chéo giữa các luật chuyên ngành
ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH: Tình trạng “cài cắm” một số lợi ích cục bộ trong pháp luật kinh doanh
Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình trạng ùn tắc hàng hoá để vi phạm pháp luật

Ngày 11/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Chất lượng của quy định và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh”. Hội thảo được thực hiện trong khuôn khổ Dự án Tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong việc giám sát và thực hiện tái cơ cấu kinh tế (thuộc Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam – Aus4Reform).

Hội thảo “Chất lượng của quy định và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh”. Ảnh: H.Dịu
Hội thảo “Chất lượng của quy định và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh”. Ảnh: H.Dịu

Còn lạm dụng ban hành thông tư

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký – Trưởng Ban Pháp chế VCCI, dù đã có nhiều động thái thúc đẩy cải cách nhưng trên thực tế doanh nghiệp vẫn phản ánh tình trạng vướng mắc, bất cập khi thực hiện các hoạt động kinh doanh. Điều này một phần xuất phát từ việc chất lượng của các văn bản pháp luật chưa thực sự tốt, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thực thi.

Báo cáo “Chất lượng của thông tư, công văn với hiệu quả của cải cách thể chế” được công bố tại hội thảo có nêu thực trạng thông tư vẫn còn quy định về điều kiện kinh doanh — điều bị cấm trong Luật Đầu tư 2020; các quy định tại thông tư vẫn còn chưa đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, khả thi, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, có những thông tư bị đình chỉ thi hành khi vừa mới phát sinh hiệu lực trong thời gian ngắn.

Cụ thể, báo cáo cho rằng, có những thông tư ban hành điều kiện kinh doanh “công khai”, có những thông tư lại ban hành điều kiện kinh doanh ở dạng “ẩn”, lồng ghép trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Ví dụ như bộ quy tắc “thực hành tốt” trong kinh doanh dược, “thực hành tốt” đặt ra các yêu cầu về cơ sở vật chất, nhân lực nên cũng có tính chất như là điều kiện kinh doanh, buộc doanh nghiệp phải đáp ứng nếu muốn gia nhập và hoạt động trong lĩnh vực này.

Theo VCCI, việc thông tư ban hành điều kiện kinh doanh sẽ khiến môi trường đầu tư, kinh doanh trở nên kém thuận lợi; rào cản từ các điều kiện kinh doanh được ban hành mà không được giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp.

Ngoài ra, báo cáo cũng nêu vấn đề về tình trạng lạm dụng ban hành thông tư trong một số ngành, lĩnh vực, việc áp dụng pháp luật bị lệ thuộc quá lớn vào thông tư.

“Hiện tượng lạm dụng ban hành thông tư dường như vẫn đang tồn tại. Việc áp dụng pháp luật bị lệ thuộc quá lớn vào thông tư đã khiến cho những lo ngại về tình trạng “luật ống”, “luật khung” quay trở lại”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh. (“Luật ống", “luật khung" là văn bản luật ghi những quy định chung chung, muốn thi hành được phải có văn bản quy định chi tiết, văn bản hướng dẫn thi hành – PV).

Ngoài ra, theo phản ánh của các doanh nghiệp, nhiều thông tư vẫn chưa phù hợp với thực tế gây khó khăn cho doanh nghiệp, có quy định mâu thuẫn, chồng chéo hoặc chưa thống nhất giữa các thông tư với nhau…

Minh bạch và kiểm soát quy trình xây dựng văn bản pháp luật

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, theo ông Đậu Anh Tuấn, là do quy trình xây dựng, ban hành chưa thực sự minh bạch; việc đánh giá tác động quy định, đánh giá thủ tục hành chính tại thông tư chưa thực hiện một cách kĩ càng và có chất lượng. Hơn nữa, từ năm 2005 đã có quy định cấm thông tư ban hành điều kiện kinh doanh nhưng vẫn còn tình trạng này cho thấy cơ chế kiểm soát thực thi về thẩm quyền ban hành điều kiện kinh doanh đang chưa hiệu quả.

Ngoài ra, trong hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn có nhiều công văn ban hành các quy phạm pháp luật. Ví dụ, Công văn số 8909/BKHĐT-PC” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ, thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư 2020; Công văn số 1902/BYT-QLD13 của Bộ Y tế hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ…

Các vấn đề như chất lượng của công văn chưa được đảm bảo, không đủ độ tin cậy, tình trạng các công văn trả lời chậm, thậm chí không trả lời khi doanh nghiệp gửi các câu hỏi, vướng mắc cũng được nêu ra trong báo cáo.

Từ những vấn đề nêu trên, báo cáo của VCCI cho rằng, cần minh bạch hơn nữa về quy trình xây dựng thông tư, thống nhất các tiêu chí về điều kiện kinh doanh, minh bạch về quy định tiếp nhận phản ánh vướng mắc của doanh nghiệp…

Ngoài ra, theo VCCI, cần có cơ chế kiểm soát tốt hơn đối với nội dung của công văn để ngăn chặn tuyệt đối tình trạng công văn ban hành các quy phạm pháp luật; cần cơ chế để tăng tính trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong xử lý và trả lời vướng mắc doanh nghiệp.

Cũng về vấn đề này, bà Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng, cần tăng cường công tác tham vấn các đối tượng chịu tác động để đảm bảo các văn bản quy phạm pháp luật được bám sát thực tiễn; đồng thời, cần cải thiện sự liên thông, gắn kết giữa xây dựng và thi hành pháp luật, từ đó góp phần cải thiện môi trường kinh doanh tốt hơn.

Hơn nữa, theo ý kiến của đại diện các doanh nghiệp và hiệp hội, các vấn đề được chỉ ra tại báo cáo cần được kiến nghị lên Chính phủ, Quốc hội để có những chỉnh sửa, bổ sung hợp lý, bên cạnh đó cần một cơ quan đứng ra kiểm soát vấn đề ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chẳng hạn như Bộ Tư pháp để thống nhất các đầu mối, tránh chồng chéo.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Doanh nghiệp bứt phá kinh doanh với lãi suất cho vay siêu ưu đãi từ BAC A BANK

Doanh nghiệp bứt phá kinh doanh với lãi suất cho vay siêu ưu đãi từ BAC A BANK

(HQ Online) - Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) dành tặng Khách hàng doanh nghiệp mức lãi suất hấp dẫn trong khuôn khổ Chương trình "Tiếp vốn nhanh - Kinh doanh bứt phá”, hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tận dụng nguồn tín dụng ưu đãi để kịp thời bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh.

Đọc tiếp

Đề xuất tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2025

Đề xuất tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2025

(HQ Online) - Bộ Tài chính vừa đề xuất tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường trong năm 2025 đối với xăng (trừ etanol), dầu, mỡ nhờn; giảm khoảng 70% đối với nhiên liệu bay và 40% với dầu hỏa. Theo tính toán, tổng NSNN giảm khoảng 44.224 tỷ đồng khi áp dụng chính sách này.
Nhà đầu tư cá nhân được quyền đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Nhà đầu tư cá nhân được quyền đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

(HQ Online) - Để đảm bảo sự minh bạch, an toàn cho thị trường chứng khoán nói chung, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nói riêng cũng như bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư trên thị trường, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật thuộc lĩnh vực tài chính, trong đó có Luật Chứng khoán, cơ quan soạn thảo đã bổ sung các quy định nhằm quản lý tốt hơn vấn đề này.
Tạo hành lang pháp lý gỡ vướng trong sử dụng chi thường xuyên mua sắm tài sản, cải tạo công trình

Tạo hành lang pháp lý gỡ vướng trong sử dụng chi thường xuyên mua sắm tài sản, cải tạo công trình

(HQ Online) - Ông Bùi Anh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, việc ban hành Nghị định số 138/2024/NĐ-CP đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện để các bộ, ngành, địa phương được chủ động sử dụng chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt, chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đọc nhiều