Liêm chính và minh bạch tạo niềm tin cho doanh nghiệp

(HQ Online) - Sau những cải cách liên tục và bền bỉ của Chính phủ cũng như nhiều cơ quan, địa phương về thủ tục hành chính, doanh nghiệp đã được giảm bớt gánh nặng về thủ tục và những chi phí không đáng có. Điều này giúp các doanh nghiệp có thêm niềm tin và động lực để mở rộng kinh doanh, đầu tư.
Góp phần xây dựng Chính phủ ‘liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ'
Niềm tin được hình thành trong cộng đồng doanh nghiệp
Không chỉ tháo gỡ rào cản mà phải tạo môi trường kinh doanh minh bạch
Thúc đẩy tính minh bạch qua hoạt động xếp hạng tín nhiệm
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng minh bạch và chuyên nghiệp
Liêm chính và minh bạch tạo niềm tin cho doanh nghiệp

Chi phí tuân thủ còn cao

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để đạt mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, tốc độ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp trong 5 năm 2021-2025 phải đạt từ 12 đến 14%/năm, trung bình mỗi năm phải có thêm từ 100.000 đến 150.000 doanh nghiệp thành lập mới. Nhưng muốn đạt được mục tiêu nêu trên, VCCI cho rằng, các cơ quan quản lý cần tiếp tục có những chính sách mang tính ổn định, hỗ trợ về thuế, phí, thủ tục hành chính thuận lợi hơn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng: Dư địa cải cách còn lớn

Dư địa cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát chi phí tuân thủ còn rất lớn, yêu cầu từ thực tiễn cho sự phát triển chung của nền kinh tế và doanh nghiệp cũng đặt ra rất nhiều thách thức lẫn cơ hội, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng nhìn nhận một cách chi tiết và khách quan vào tình hình doanh nghiệp để tiếp tục cải thiện mọi việc.

Việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để cải thiện và tiết kiệm chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp không còn là một ưu tiên cần cân nhắc mà đã là một nhiệm vụ cấp bách, được đặt lên hàng đầu của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Phải tiếp tục đẩy mạnh việc cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, bao gồm chi phí chính thức và không chính thức để tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và bộ máy công vụ liêm chính, tin cậy, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Công tác cắt giảm chi phí không chỉ phụ thuộc vào các yếu tố về thể chế và hạ tầng mà còn về chính những con người thực hiện các thủ tục đó.

Theo công bố mới đây tại báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) 2020 do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, trong các nhóm thủ tục hành chính được tiến hành khảo sát, nhóm thủ tục hành chính về xây dựng và môi trường "ngốn" nhiều chi phí của doanh nghiệp nhất. Cụ thể, để thực hiện thủ tục hành chính trong nhóm môi trường, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 61,5 giờ, chi phí trực tiếp là 3,1 triệu đồng. Đối với nhóm thủ tục hành chính về xây dựng, doanh nghiệp phải chi hơn 25 triệu đồng để thực hiện thủ tục, với thời gian trung bình của mỗi doanh nghiệp khoảng 21,2 giờ, chi phí trực tiếp là 4,7 triệu đồng cho các loại chi phí sao chụp, chứng thực hồ sơ, các loại phí và lệ phí theo quy định (gồm các loại phí thẩm định và lệ phí cấp phép xây dựng) và một phần chi phí không chính thức.

Trên thực tế, con số trên có thể còn cao hơn khá nhiều. Chia sẻ với phóng viên về các thủ tục trong lĩnh vực xây dựng, đại diện một doanh nghiệp cho biết, doanh nghiệp phải mất hơn 26 ngày làm việc cho việc sửa đổi bổ sung hồ sơ, bao gồm cả việc nhận thông báo chỉnh sửa và nộp lại hồ sơ. Các doanh nghiệp vẫn thực hiện việc nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp. Cùng với đó, không ít doanh nghiệp cũng chia sẻ, có nhiều trường hợp doanh nghiệp phải chi trả từ 15-20 triệu tiền photo, chứng thực đối với một bộ hồ sơ thẩm định. Thậm chí, các doanh nghiệp còn phải chi trả nhiều khoản chi phí “lót tay” không chính thức để bồi dưỡng, đưa đón… đoàn kiểm tra thuộc thủ tục Cấp giấy phép xây dựng…

Cùng với những khoản chi phí nêu trên, các doanh nghiệp vẫn đang tốn rất nhiều chi phí cầu đường, giao thông. Theo ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp tuy đã phục hồi sau đại dịch nhưng sức khỏe còn rất yếu, trong khi nhiều loại chi phí mà doanh nghiệp kiến nghị nhiều lần nhưng chưa có gì thay đổi. Ví dụ, phí đường bộ, phí BOT, phí cảng biển vẫn ở mức cao hoặc chỉ giảm được rất ít sau nhiều lần kiến nghị. Chi phí công đoàn 2% cũng là đáng kể với doanh nghiệp trong bối cảnh này, nên mức phí giảm hoặc miễn sẽ là hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp. Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị nên miễn 2% kinh phí công đoàn cho doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh.

Vẫn e ngại chi phí không chính thức

Cũng theo kết quả từ báo cáo APCI 2020, nhóm thủ tục hành chính về thuế có chi phí tuân thủ trung bình thấp nhất. Nguyên nhân được đưa ra là do ngành Thuế đã điện tử hóa việc thực hiện thủ tục hành chính nhằm đơn giản hóa việc thực hiện, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục. Đặc biệt, nhiều thủ tục hành chính khác cũng có tiến bộ như giao dịch thương mại qua biên giới, đầu tư, khởi sự kinh doanh… do đã chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.

Những kết quả này đã cho thấy nỗ lực cải cách của Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương trong thời gian qua. Tuy nhiên, giảm chi phí xuống mức thấp nhất có thể luôn là mong muốn của nhiều doanh nghiệp. Bà Phạm Thị Hồng Thủy kiến nghị các ngân hàng cần tiếp tục xem xét, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi suất cho vay 1,5-2% cho tất cả các gói cho vay; giảm tiền thuê đất trong 2 năm…

Không chỉ yêu cầu giảm chi phí chính thức, các doanh nghiệp còn rất mong muốn được giải quyết triệt để “vấn nạn” liên quan đến chi phí không chính thức. Nghiên cứu APCI 2020 cho thấy, chi phí không chính thức có ở tất cả các nhóm thủ tục hành chính, các công đoạn khi thực hiện thủ tục hành chính và ở nhiều địa phương. Các doanh nghiệp cho rằng, chi phí không chính thức không chỉ làm gia tăng chi phí tuân thủ mà đang làm cho môi trường kinh doanh trở nên thiếu lành mạnh, kém cạnh tranh và gây e ngại cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn kinh doanh và cạnh tranh công bằng tại Việt Nam và hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.

Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Thảo, Giám đốc Tập đoàn Our Tour cho hay, nhiều thủ tục hành chính sẽ đơn giản và thuận lợi hơn nếu cơ quan quản lý phân quyền phân cấp xuống các đơn vị thực hiện. Vì thế, nhiều khi doanh nghiệp phải chờ đợi văn bản hướng dẫn tới 6-7 tháng vẫn chưa được ban hành, khiến doanh nghiệp thiệt hại bằng những con số tài chính không hề nhỏ. Do đó, các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính cần liêm chính, minh bạch, rút gọn… để tạo cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư, kinh doanh.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Doanh nghiệp bứt phá kinh doanh với lãi suất cho vay siêu ưu đãi từ BAC A BANK

Doanh nghiệp bứt phá kinh doanh với lãi suất cho vay siêu ưu đãi từ BAC A BANK

(HQ Online) - Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) dành tặng Khách hàng doanh nghiệp mức lãi suất hấp dẫn trong khuôn khổ Chương trình "Tiếp vốn nhanh - Kinh doanh bứt phá”, hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tận dụng nguồn tín dụng ưu đãi để kịp thời bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh.

Đọc tiếp

Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc

Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc

(HQ Online) - Ngày 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

Đọc nhiều