Lãi suất tiết kiệm tại ngân hàng tháng 9 cao nhất ở mức 6,8%/năm

(HQ Online) - Từ nửa cuối tháng 8 đến nay, lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng đã theo xu hướng giảm trong bối cảnh thanh khoản dồi dào và tín dụng tăng chậm do tác động của dịch Covid-19.
Ngân hàng lớn giảm mạnh lãi suất, chỉ còn từ 4%/năm
Giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp - bao nhiêu là phù hợp?
Lãi suất thấp, tiền gửi cá nhân tăng thấp kỷ lục
Lãi suất huy động vẫn đang giữ ở mức thấp. Ảnh: ST
Lãi suất huy động vẫn đang giữ ở mức thấp. Ảnh: ST

Khảo sát biểu lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng trong ngày đầu tháng 9 cho thấy, SCB tiếp tục là ngân hàng giữ lãi suất cao nhất ở nhiều kỳ hạn chủ chốt là 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, lần lượt là 3,85%/năm, 5,7%/năm, 6,8%/năm.

Trong khi đó, trong biểu lãi suất mới nhất, TPBank đã giảm lãi suất tiền gửi 6 tháng thêm 0,1% xuống còn 5,3%/năm; kỳ hạn 18 và 36 tháng giảm 0,3%, xuống còn 6%/năm.

Với tiền gửi online, TPBank cũng điều chỉnh giảm ở một số kỳ hạn với mức giảm nhiều nhất là 0,3%. Mức lãi suất gửi online cao nhất tại ngân hàng này là 6,15%/năm cho các kỳ hạn dài trên 12 tháng.

Một số ngân hàng khác cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động, như Techcombank điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn chủ chốt, với mức giảm từ 0,25-0,5%; Sacombank điều chỉnh giảm lãi suất huy động các kỳ hạn chủ chốt từ 0,2-0,3%; HDBank giảm từ 0,1-0,3%; MB giảm từ 0,2-0,27%...

Ở khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, Vietcombank vẫn duy trì mức lãi suất như đầu tháng 8/2021 với kỳ hạn từ 1-3 tháng hiện dao động từ 3,1-3,4%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng là 4%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng là 5,5%/năm.

VietinBank cũng duy trì lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1-3 tháng ở mức từ 3,1-3,4%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng là 4%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng thì được mức lãi suất huy động cao nhất là 5,6%/năm.

Trong khi đó, BIDV lại điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất huy động từ mức 5,6%/năm (cho kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng) xuống 5,5%/năm, giảm 0,1% so với đầu tháng 8/2021. Agribank cũng điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất, mức cao nhất chỉ còn 5,5%/năm thay vì mức 5,6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng như hồi đầu tháng 8.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số ngân hàng lại tăng lãi suất tiết kiệm online, kéo giãn chênh lệch giữa lãi suất tiết kiệm tại quầy và online lên từ 0,2-0,3%. Các ngân hàng cho hay, chính sách này nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng giao dịch ngân hàng trực tuyến, hạn chế lây lan dịch Covid-19 đến cộng đồng.

Chẳng hạn, Nam Á Bank điều chỉnh lãi suất tiết kiệm online kỳ hạn 12 tháng lên đến 6,8%/năm, kỳ hạn 7 tháng 6,5% và kỳ hạn 6 tháng 6,4%/năm, đều tăng 0,4% đến 0,6% so với lãi suất tại quầy.

Tương tự, tại VPBank, lãi suất tiền gửi online kỳ hạn 6 tháng là 4,9%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 5,2%/năm, tăng 0,2%/năm so với trước đó.

Theo công bố mới nhất của Ngân hàng Nhà nước về tình hình lãi suất tháng 7 của các tổ chức tín dụng, mặt bằng lãi suất tiền gửi bằng VNĐ bình quân ở các ngân hàng thương mại trong nước khoảng 3,3-3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 4,2-5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6-12 tháng; 5,4-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12-24 tháng và 6,1-6,9%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.

Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VNĐ đối với một số ngành lĩnh vực ở mức 4,4%/năm. Lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3-6%/năm, trong khi tiền gửi USD hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 0%.

Sau đợt giảm lãi suất cho vay vào giữa tháng 7, hiện nhiều ngân hàng thương mại lại tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ nay đến cuối năm, với mức giảm lãi suất từ 0,5-1,5 điểm %.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI kỳ vọng, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong thời gian tới, trong khi đó lãi suất huy động sẽ phải chịu áp lực tăng nhẹ bởi Thông tư quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ có hiệu lực vào tháng 10 tới đây.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều