Ngân hàng lớn giảm mạnh lãi suất, chỉ còn từ 4%/năm
Các ngân hàng đồng loạt giảm mạnh lãi suất cho vay. |
Hiện thanh khoản tại các ngân hàng khá dồi dào. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng trong phiên cuối tuần trước (20/8) chỉ ở mức 0,66%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,74%/năm với kỳ hạn 1 tuần. Đây là mức lãi suất cho vay bình quân liên ngân hàng thấp nhất kể từ giữa tháng 4 đến nay và là tuần giảm thứ 4 liên tiếp của chỉ số này. Hơn nữa, doanh số cho vay tại thị trường này cũng giảm đáng kể so với giai đoạn trước.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) thống kê, từ ngày 10/6/2021 đến đầu tháng 8/2021, có hơn 600.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng trên tổng dư nợ thực tế là hơn 1,19 triệu tỷ đồng. Như vậy, ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư là rất lớn, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tổ chức tín dụng và cộng đồng doanh nghiệp.
Vì thế, để hỗ trợ khách hàng và thực hiện theo đúng cam kết với cơ quan quản lý, các ngân hàng lớn đã đồng loạt giảm mạnh lãi suất và đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi.
Cụ thể, từ nay đến hết 31/12/2021, BIDV thực hiện giảm 0,5-1,5%/năm lãi suất cho vay VND đối với dư nợ hiện hữu phát sinh đến ngày 15/7/2021 đối với các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại 19 tỉnh/thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Vietcombank cũng đã quyết định giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại TPHCM và tỉnh Bình Dương; giảm lãi suất tới 0,3%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại các địa bàn tỉnh, thành phố phía Nam còn lại đang áp dụng giãn cách xã hội.
VietinBank cũng triển khai nhiều gói tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vay vốn với lãi suất chỉ từ 4%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 7%/năm đối với khoản vay trung dài hạn.
Để tiếp tục hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, Agribank cũng đã bổ sung thêm 100.000 tỷ đồng cho gói tín dụng ưu đãi. Chương trình hỗ trợ sẽ có mức lãi suất thấp hơn 2-2,5% so với cho vay thông thường, đồng nghĩa với việc khách hàng có thể tiếp cận mức lãi suất giảm còn 4,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và 6,5%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn.
Bên cạnh các ngân hàng lớn có vốn nhà nước, trước đó, hàng loạt ngân hàng tư nhân cũng đã giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ khách hàng.
Ông Phạm Như Ánh, thành viên Ban điều hành MB cho biết, MB giảm từ 0,5%-1,5%, tùy theo nhóm khách hàng và mức độ khách hàng chịu ảnh hưởng của đại dịch. Vì thế, MB dự toán giảm 1.000 tỷ đồng tiền lãi cho các khách hàng chịu ảnh hưởng của Covid-19. Cùng với đó, MB thực hiện gia hạn nợ gốc để giúp khách hàng có thêm nguồn lực đi qua khó khăn.
Do vậy, báo cáo cập nhật thị trường tiền tệ tuần từ 16-20/8 của Bộ phận Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) đặt kỳ vọng, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm nhẹ trong ngắn hạn, trong khi lãi suất huy động sẽ không có nhiều biến động.
Báo cáo cập nhật vĩ mô nửa cuối năm nay của Công ty Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn theo hướng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Một trong các chính sách mà NHNN có thể áp dụng cho nửa cuối năm nay là nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng. VNDirect cho rằng với xu hướng giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện nay, cơ quan quản lý có thể nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm nay của ngành ngân hàng lên mức 13%, cao hơn so với năm 2020.
Đặc biệt, để tránh tình trạng công bố giảm lãi vay "cho có" của các ngân hàng, NHNN mới đây đã cho biết sẽ tăng cường công tác giám sát việc thực hiện giảm lãi suất, phí của các ngân hàng thương mại. Từ kết quả giám sát này, NHNN sẽ xem xét và có chính sách khuyến khích hoặc hạn chế một số nội dung trong hoạt động tín dụng của ngân hàng trong năm 2022.
Với động thái này, các doanh nghiệp kỳ vọng viêc giảm lãi suất sẽ được thực hiện thực chất, đưa dòng vốn hiệu quả đến doanh nghiệp.
Ý kiến bạn đọc