Kỳ vọng đột phá từ Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Đầu tư 2020

(HQ Online) - Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020 ban hành và có hiệu lực vào đầu năm 2021. Các DN và nhà đầu từ đều kỳ vọng 2 Luật này được thi hành sẽ giúp đơn giản hóa các thủ tục, tạo thuận lợi cho mở rộng thị trường, cải cách môi trường kinh doanh, thúc đẩy hơn nữa thu hút đầu tư.
Làm gì để Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2020 không nằm trên “giấy”?
Doanh nghiệp giấy tăng đầu tư, kỳ vọng xuất khẩu từ FTA
Những điểm mới và các lưu ý về Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư 2020
Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư 2020 sẽ thúc đẩy số lượng và chất lượng doanh nghiệp, nhà đầu tư 	Ảnh: H.Dịu
Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư 2020 sẽ thúc đẩy số lượng và chất lượng doanh nghiệp, nhà đầu tư Ảnh: H.Dịu

Thêm nền tảng để “chiến đấu”

Luật DN 2020 và Luật Đầu tư 2020 đã được Quốc hội khoá XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Các chuyên gia đều đánh giá, 2 Luật này đã có nhiều thay đổi tích cực so với các Luật cũ, giúp thúc đẩy cả về chất lượng và số lượng DN.

Một số thay đổi tích cực tại Luật DN 2020 là nhất quán với tiến trình cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký DN, gia nhập thị trường. DN được quyết định loại dấu; quyết định số lượng, hình thức và nội dung dấu của DN, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của DN. Luật DN lần này còn bỏ quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải sở hữu cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng để bảo đảm việc thực hiện các quyền của cổ đông không làm ảnh hưởng đến việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của DN…

Đại diện Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại BigPhone cho hay, những năm qua, pháp luật, thể chế về môi trường kinh doanh của Việt Nam có rất nhiều thay đổi, nhưng vẫn còn quy định chưa theo sát tình hình hoạt động của DN. Ví dụ như vấn đề khởi sự kinh doanh, từ ý tưởng kinh doanh thành thực tế đều rất khó khăn, người mới kinh doanh cũng khó có thể đáp ứng được nhiều yêu cầu theo quy định. Do đó, đơn giản, tạo thuận lợi cho khởi sự kinh doanh là điều rất quan trọng, giúp các DN tự tin gia nhập thị trường, cũng như thêm nền tảng để “chiến đấu” với những thay đổi của thị trường.

Còn về Luật Đầu tư 2020, Luật này sẽ cắt giảm 22 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; hiện thực hóa các cam kết chung và các quy định về hạn chế tiếp cận thị trường khi Việt Nam gia nhập WTO cũng như tham gia vào các hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư thế hệ mới; bổ sung, hoàn thiện các quy định về ngành nghề ưu đãi đầu tư…

Theo Luật sư Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC), Luật Đầu tư lần này đã được sửa đổi với nhiều điểm mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.

Chẳng hạn, Luật bổ sung thêm quy định về hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư theo các quy định về thuế thu nhập DN hay theo pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Đồng thời, thêm hình thức ưu đãi đầu tư là khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế...

Luật Đầu tư năm 2020 cũng quy định rõ ràng, thu hẹp và làm rõ phạm vi đối tượng được hưởng ưu đãi. Từ đó, chính sách ưu đãi đầu tư được hiệu quả hơn khi xác định được đối tượng hưởng phù hợp, xứng đáng.

Các chuyên gia cho rằng, thời điểm này, Việt Nam có khoảng 750.000 DN đang hoạt động. Việc thu hút đầu tư trong nước cũng như nước ngoài đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Giai đoạn 2016-2018, số lượng dự án đăng ký và vốn đầu tư giải ngân tăng nhanh. Riêng năm 2018, vốn giải ngân đạt gần 20 tỷ USD. Những thành công này có sự đóng góp không nhỏ của Luật Đầu tư. Vì thế, các DN kỳ vọng, 2 Luật này cũng sẽ tạo thêm đột phá cho DN nói riêng và kinh tế vĩ mô nói chung.

Về vấn đề này, theo bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Pháp chế trường Đại học Anh quốc Việt Nam, Luật Đầu tư 2020 sửa đổi có điều lớn nhất mà các nhà đầu tư nước ngoài rất vui mừng là lĩnh vực đầu tư nước ngoài vào giáo dục đại học đã được đưa vào danh mục ưu đãi đầu tư. Từ đó, giúp DN có được ưu đãi về thuế, thuế thu nhập cũng như các chính sách ưu đãi về đất đai trong tương lai. Bên cạnh đó, có một sự thay đổi lớn là Luật Đầu tư 2014 quy định các dự án đầu tư nước ngoài phải xin chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, nhưng Luật mới thì đã sửa đổi là chỉ xin giấy phép lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đây là bước tiến lớn về giảm thủ tục hành chính, giảm quy mô và thẩm quyền cấp phép, giúp DN nhanh chóng xin được giấy phép hơn.

Hiểu và làm đúng

Để tận dụng cơ hội từ 2 Luật mới này, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các DN cần phải hiểu rõ về Luật DN 2020 và Luật Đầu tư 2020, từ đó giúp tạo thuận lợi cho mở rộng thị trường, xây dựng môi trường kinh doanh, giúp các DN và nhà đầu tư liên doanh và hợp tác thuận lợi…

Luật sư Lê Đình Vinh đánh giá, những sửa đổi, bổ sung của các Luật trên vẫn còn những vấn đề chưa đáp ứng được những kỳ vọng, nên một số quy định mới đưa vào luật trong quá trình hướng dẫn, triển khai vào thực tế cũng sẽ có những vướng mắc. Do đó, vị này cho rằng, cần phải rà soát để tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các Luật liên quan để đồng bộ với các quy định mới của Luật DN 2020, Luật Đầu tư 2020.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Kim Dung cho biết, hoạt đồng đầu tư cho giáo dục đại học được đưa vào danh mục ưu đãi đầu tư, nhưng để thuận lợi và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, các luật liên quan cũng cần sửa đổi để hỗ trợ. Ví dụ, khi xây dựng trường đại học nước ngoài tại Việt Nam, DN sẽ phải mời các chuyên gia, giáo sư nước ngoài về giảng dạy ngắn hạn và dài hạn. Hiện quy định về lao động đang yêu cầu phải xin giấy phép cho lao động nước ngoài, nên bà Dung kiến nghị không cần cấp giấy phép cho lao động nước ngoài trong một khoảng thời gian nhất định để nâng cao chất lượng thu hút đầu tư cũng như thuận lợi cho các DN hoạt động.

Ngoài ra, các DN cũng đồng tình cho rằng, khi chưa có Nghị định thì Luật vẫn còn nằm trên giấy. Nhưng các DN vẫn có quyền hy vọng về những “kỳ tích” và 2 Luật này sẽ mang lại như các Luật “đàn anh” đi trước.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đọc nhiều