Kỳ vọng Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa cải thiện môi trường kinh doanh
Ông Vũ Tiến Lộc |
Năm 2020 là một năm đầy biến động đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, dù vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được con số tăng trưởng dương. Để có được kết quả đó không thể không kể đến những hỗ trợ kịp thời của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp, ông có thể cho biết rõ hơn về điều này?
Những lĩnh vực mà doanh nghiệp phản ánh còn gặp nhiều phiền hà trong quá trình thực hiện TTHC bao gồm đất đai, Bảo hiểm xã hội, thuế, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy, môi trường và lao động. |
Những thành công về mặt kinh tế là kết quả nỗ lực của Nhà nước từ đầu năm đến nay trong công tác khống chế dịch Covid-19 và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Và đặc biệt là việc ký kết hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do, Hiệp định Bảo hộ đầu tư… đã mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam với các thị trường tiềm năng.
Ngay trong lúc dịch Covid-19 đang có những tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế Việt Nam, Chính phủ đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính với việc vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia. Tiếp tục thúc đẩy chương trình rà soát và đơn giản hoá điều kiện kinh doanh với trọng tâm cải cách các quy định về kinh doanh và gỡ bỏ chồng chéo xung đột. Đáng chú ý vào tháng 5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 về cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, với mục tiêu rất cụ thể: giảm 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Đặc biệt, không thể không kể đến sự cố gắng vượt bậc của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh khó khăn chưa từng có này. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động lên kịch bản để ứng phó với khó khăn, rất nỗ lực duy trì sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu, thay đổi sản phẩm để tồn tại. Các doanh nghiệp đều cố gắng có đơn hàng dù nhỏ để bảo đảm cho người lao động có việc làm, có thu nhập.
Ông có thể cho biết về những kỳ vọng của doanh nghiệp vào những giải pháp sắp tới của Chính phủ để vượt qua các thách thức do dịch Covid-19?
Những bài học từ việc khống chế thành công dịch Covid-19 hoàn toàn có thể áp dụng cho việc hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục phát triển sản xuất kinh doanh. Đó là sự điều hành linh hoạt, chủ động của Chính phủ liên tục bám sát tình hình thực tiễn để có giải pháp phù hợp và kịp thời; chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch, rộng rãi và kịp thời; lựa chọn và áp dụng các biện pháp xử lý dịch theo mức độ rủi ro; chú trọng hiệu quả phối hợp giữa các ngành, các cấp;…
Bên cạnh những yêu cầu cấp bách về những hành động cụ thể nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp nhằm đối phó với khó khăn do Covid-19 gây ra, cộng đồng doanh nghiệp cũng mong Chính phủ có các biện pháp cụ thể và nhanh chóng để giải quyết ngay các nút thắt đang cản trở doanh nghiệp tận dụng các cơ hội hội nhập từ các FTA nói chung và từ EVFTA nói riêng để phục hồi từ những tác động tiêu cực do dịch Covid-19 gây ra và tiếp tục phát triển.
Theo đó, về cơ sở hạ tầng, VCCI và cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ tập trung triển khai hiệu quả Luật PPP và Luật Đầu tư công với ưu tiên cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông và các dự án đang triển khai dở dang. Về nâng cao năng lực cạnh tranh, mặc dù đây là công việc của từng doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề này. Cụ thể, tại các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần thiết lập một Cổng thông tin về thị trường và kết nối kinh doanh cho doanh nghiệp, đặc biệt với thị trường EU và các thị trường mà Việt Nam đã có FTA (với các thông tin về các cam kết thương mại với Việt Nam; quy trình thủ tục xuất nhập khẩu; hệ thống các quy định pháp luật liên quan; các thông tin về đặc điểm thị trường, kênh phân phối…; các đầu mối, đối tác có nhu cầu).
Ở trong nước, đối với các nhóm nông sản mà các nước đối tác nhập khẩu có yêu cầu đặc thù về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm (ví dụ phải chiếu xạ, phải kiểm tra trước khi bốc hàng…), Chính phủ hỗ trợ thiết lập các trung tâm kỹ thuật nhằm hướng dẫn người sản xuất, xuất khẩu thực hiện các yêu cầu; thực hiện việc kiểm tra hàng hóa miễn phí hoặc phí ưu đãi theo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu…
Liên quan đến đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh phù hợp, doanh nghiệp mong muốn điều gì thưa ông?
Cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính (TTHC), điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Trong thời gian gần đây, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh. Điều tra thường niên 10.000 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố của VCCI năm vừa qua cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy phép giảm còn 35%, từ con số từ 42% của năm 2018. Tuy nhiên, 35% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy phép kinh doanh có điều kiện vẫn là con số tương đối lớn. Nghị quyết 68 do Chính phủ mới ban hành đang được kỳ vọng sẽ thúc đẩy làn sóng cải cách điều kiện kinh doanh trong năm 2020.
Đồng thời, cần tập trung rà soát và tối ưu hóa quy trình TTHC liên ngành, đặc biệt là các thủ tục liên quan tới đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường. Tiến hành cải cách TTHC theo hướng cắt giảm gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và giảm thiểu cơ hội phát sinh chi phí không chính thức. Đẩy nhanh ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC, tăng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Hướng tới việc tạo lập và kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước cơ sở dữ liệu doanh nghiệp để đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ.
Tiếp tục giảm thiểu gánh nặng thanh, kiểm tra doanh nghiệp theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong thực hiện thanh tra, kiểm tra. Xác định rõ đầu mối kiểm soát các hoạt động thanh, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn, kể cả các cuộc thanh, kiểm tra của cơ quan Trung ương; sớm công khai trên website của cơ quan nhà nước danh sách các đối tượng bị thanh, kiểm tra theo kế hoạch, cũng như kết quả thanh, kiểm tra sau khi có kết luận.
Bên cạnh đó, cần cải cách mạnh mẽ hơn về kiểm tra chuyên ngành. Áp dụng triệt để nguyên tắc quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giảm thiểu sự chồng chéo trùng lặp trong công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành.
Và đặc biệt là cần phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp tiến hành thường xuyên và thực chất các cuộc đối thoại doanh nghiệp. Đảm bảo các cuộc gặp mặt, đối thoại này có sự tham gia của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Kịp thời giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp; giao hiệp hội doanh nghiệp của tỉnh theo dõi, giám sát quá trình giải quyết; định kỳ tiến hành đánh giá công khai kết quả giải quyết vướng mắc từ các doanh nghiệp. Đăng tải kịp thời những thông tin về phản hồi, đánh giá, phản ánh vướng mắc kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp; tiếp tục tổ chức và thực hiện việc đánh giá thực thi của sở, ngành, quận, huyện thông qua việc xây dựng và công bố bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, quận huyện (DDCI) định kỳ hàng năm…
Xin cảm ơn ông!
Ý kiến bạn đọc