Kiểm soát chặt chẽ hàng quá cảnh có dấu hiệu vi phạm
Biến tướng của hàng quá cảnh – Bài 1: Khám 132 container hàng quá cảnh, gần 76% vi phạm | |
Vi phạm về hàng quá cảnh: Kiểm tra 132 container phát hiện tới 91 container vi phạm |
Một trong số các mặt hàng vi phạm trong đợt kiểm tra hàng quá cảnh do cơ quan Hải quan thực hiện trong năm 2020. |
Kiểm tra thực tế, gắn seal định vị giám sát
Liên quan đến vấn đề quản lý, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh, kinh doanh tạm nhập tái xuất, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị hải quan địa phương, khi làm thủ tục hải quan, chi cục hải quan cửa khẩu phân tích thông tin hàng hóa quá cảnh, phát hiện lô hàng có dấu hiệu cất giấu hàng cấm, hàng quá cảnh phải có giấy phép (nhưng không xuất trình giấy phép), hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không khai báo... thì kiểm tra thực tế hàng hóa (tỷ lệ 100%) tại cửa khẩu nhập.
Sau khi kiểm tra thực hiện gắn seal định vị điện tử từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất và thông báo cho chi cục hải quan cửa khẩu xuất thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa (tỷ lệ 100%) đối với lô hàng trên trước khi xác nhận thực xuất.
Hàng hóa quá cảnh, kinh doanh tạm nhập - tái xuất (bao gồm cả kinh doanh tạm nhập tái xuất gửi kho ngoại quan) vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến địa điểm lưu giữ hoặc vận chuyển đến cửa khẩu xuất phải được vận chuyển bằng phương tiện đáp ứng điều kiện giám sát hải quan.
Các chi cục hải quan phải sử dụng seal định vị điện tử để giám sát đối với hàng hóa quá cảnh, kinh doanh tạm nhập tái xuất trong quá trình vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất và thông báo cho chi cục hải quan cửa khẩu xuất thực hiện kiểm tra niêm phong hải quan trước khi xác nhận hàng qua khu vực giám sát. Chi cục hải quan nơi hàng hóa vận chuyển không xác nhận đủ điều kiện qua khu vực giám sát hải quan nếu container chưa được gắn seal định vị điện tử.
Về vấn đề kiểm soát hàng quá cảnh, năm 2020, trước tình hình vi phạm phức tạp liên quan đến loại hàng này, Tổng cục Hải quan đã xây dựng kế hoạch kiểm tra thực tế hàng hoá và chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Cục Hải quan Lạng Sơn), Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài và Chi cục Hải quan cửa khẩu Xa Mát (Cục Hải quan Tây Ninh), Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoa Lư (Cục Hải quan Bình Phước), Chi cục Hải quan cửa khẩu Cha Lo (Cục Hải quan Quảng Bình) dừng hàng qua khu vực giám sát để kiểm tra thực tế hàng hóa đối với 132 container. Đáng chú ý, kết quả kiểm tra phát hiện số lượng container vi phạm pháp luật hải quan, vận chuyển hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lên đến gần 76% (91 container vi phạm trong tổng số 132 container được kiểm tra) của một số doanh nghiệp tại Lạng Sơn. |
Trường hợp cục hải quan tỉnh, thành phố chưa được trang bị seal định vị điện tử hoặc đã sử dụng hết thì sử dụng seal, niêm phong hải quan để niêm phong theo quy định.
Chi cục hải quan nơi hàng hóa được vận chuyển đi chịu trách nhiệm theo dõi, quản lý, giám sát hàng hóa trong quá trình vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất trên Hệ thống seal định vị điện tử để xử lý các thông tin cảnh báo của hệ thống theo đúng quy định tại Quyết 138/QĐ-TCHQ ngày 21/1/2020 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng
Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan tỉnh, thành phố được trang bị seal định vị điện tử có trách nhiệm chỉ đạo Trực ban cục hải quan các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức theo dõi, quản lý hàng hóa quá cảnh, kinh doanh tạm nhập - tái xuất thực hiện thủ tục hải quan tại các chi cục hải quan trực thuộc trong quá trình vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất. Qua đó để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp cho phép vận chuyển hàng đi khi chưa gắn seal, định vị, chỉ đạo kiểm tra, xác minh đối với các trường hợp hàng hóa đi không đúng tuyến đường, quá thời gian vận chuyển nhưng chưa đến đích hoặc có hành vi can thiệp trái phép seal định vị điện tử và xử lý nghiêm trách nhiệm của cán bộ, công chức không thực hiện đúng quy trình.
Bên cạnh đó trực ban Tổng cục, Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Giám sát quản lý về hải quan có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc sử dụng seal định vị điện tử trong toàn ngành để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp không sử dụng seal định vị để quản lý, giám sát hàng hóa quá cảnh, kinh doanh tạm nhập-tái xuất; các trường hợp hệ thống cảnh báo nhưng chi cục hải quan nơi hàng hóa đi, các đơn vị liên quan của cục hải quan tỉnh, thành phố không có biện pháp kiểm tra, xác minh, truy tìm hàng hóa.
Đối với phương tiện vận tải, container rỗng quay trở lại Việt Nam sau khi vận chuyển hàng hóa xuất khẩu (bao gồm cả hàng quá cảnh, hàng hóa xuất khẩu khác) đi qua cửa khẩu biên giới đường bộ, đường thủy nội địa, chi cục hải quan cửa khẩu nhập đầu tiên thực hiện kiểm tra thực tế container hoặc phương tiện vận tải để xác định có đúng là container rỗng hoặc phương tiện không chứa hàng nhập khẩu hay không.
Trường hợp container rỗng vận chuyển bằng đường thủy nội địa và không thể kiểm tra tại cửa khẩu nhập đầu tiên thì chi cục hải quan cửa khẩu cảng đích thực hiện kiếm tra tình trạng container rỗng trên cơ sở thông báo của chi cục hải quan cửa khẩu nhập. Chi cục hải quan kiểm tra container rỗng, phương tiện vận chuyển thực hiện xử lý vi phạm nếu có.
Đặc biệt, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan rà soát các lô hàng thực phẩm kinh doanh tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan còn hạn sử dụng dưới 2 tháng, thực hiện các biện pháp kiểm soát, giám sát chặt chẽ trong quá trình lưu giữ, vận chuyển đến cửa khẩu xuất đến khi đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, không để thẩm lậu vào nội địa.
Ý kiến bạn đọc