Hành động để xoay chuyển

(HQ Online) - Dịch Covid-19 đã trở thành 1 cuộc sàng lọc đau thương với các DN, song trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang phong tỏa các cửa ngõ tiêu thụ trên toàn cầu, thì nhiều DN Việt đã hành động nhanh chóng để xoay chuyển tình hình, đưa hàng hóa gõ cửa các thị trường XK mới, tháo gỡ bế tắc để mang về những đơn hàng triệu USD.
Doanh nghiệp Việt Nam luôn có lợi thế “sân nhà” trong cuộc cạnh tranh từ FTA
Doanh nghiệp Việt Nam đã đứng lên sau đại dịch, nhưng không đồng đều
Doanh nghiệp Việt Nam “đón sóng” đầu tư từ Nhật Bản
Hoạt động sản xuất tôm xuất khẩu tại Công ty Sao Ta
Hoạt động sản xuất tôm xuất khẩu tại Công ty Sao Ta

Uyển chuyển ứng phó, duy trì tăng trưởng

Là một trong những DN xuất khẩu thuỷ sản lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta đã có nhiều cách làm sáng tạo vượt qua dịch bệnh, ổn định sản xuất, duy trì xuất khẩu tốt. Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Sao Ta, đầu tháng 2/2020, khi Covid-19 có xu hướng lây lan mạnh, việc đầu tiên Sao Ta thực hiện là “dọn sạch” kho hàng hoá. Kết quả rất khả quan, so với năm 2019 lượng hàng tồn kho giảm ngay trên 40%. “Việc này giúp Sao Ta giảm tiền vay ngân hàng, đồng thời giảm thiểu rủi ro hàng giảm giá khi Covid-19 lan rộng làm giảm sức cầu. Đây là bài học rút ra từ sự kiện 11/9/2001 và khủng hoảng kinh tế thế giới 2008”- ông Lực chia sẻ.

Việc tiếp theo là DN duy trì liên lạc thường xuyên với khách hàng từ các thị trường, cập nhật về tình hình Covid-19, nhất là tại các nước tiêu thụ nhiều hàng hoá của DN để chuẩn bị các nguồn lực phù hợp từng đơn hàng. Do đánh giá đúng tình hình, không có lô hàng nào của Sao Ta trong tình trạng sản xuất dở dang hay bị khách hàng huỷ hợp đồng. Không bị kẹt hàng trong kho, kẹt vốn lưu động... Song song đó, Sao Ta áp dụng phương án kinh doanh uyển chuyển do thu nhập của người tiêu dùng bị giảm sút, sức mua có hạn. DN thay đổi quy cách chế biến, đóng gói “nhẹ” tiền hơn, dễ mua sắm hơn; đồng thời chú trọng kênh siêu thị, cửa hàng nhiều hơn kênh nhà hàng, khách sạn, song căn bản không coi nhẹ kênh nào.

Việc sớm đưa ra những giải pháp phù hợp, thích ứng với điều kiện thị trường đã giúp các DN không những không suy giảm doanh thu trong đại dịch, mà còn duy trì được đà tăng trưởng ấn tượng. 10 tháng năm 2020, doanh số tiêu thụ hàng hoá của Sao Ta đạt 161 triệu USD, tương đương cả năm 2019 và tăng trưởng 19% so với cùng kỳ.

Tương tự, tại Công ty CP Nafoods Group – DN chuyên chế biến và xuất khẩu các sản phẩm trái cây tươi, nước ép trái cây, trái cây sấy…, hàng loạt khó khăn ập tới trong thời gian dịch bệnh. Cụ thể, xuất khẩu quả tươi bị ùn ứ, hàng loạt đơn hàng bị chậm, hủy, dòng tiền về chậm do khách hàng chưa kịp thanh toán… Trong khi đó, chi phí logistics tăng vọt, thậm chí không có chuyến bay để xuất hàng đi khiến DN như ngồi trên đống lửa.

Trong bối cảnh đó, Nafoods đã phải linh hoạt ứng phó để xoay chuyển tình thế. Cụ thể, lượng trái cây tươi không thể xuất khẩu được đưa vào chế biến. Đồng thời công ty tăng cường các hoạt động trực tuyến để tìm kiếm khách hàng; cấu trúc lại hệ thống quản trị… Kết quả, sự sụt giảm trong xuất khẩu quả tươi từng bước được bù đắp bởi các sản phẩm chế biến, sản phẩm giá trị gia tăng. Hiện trung bình mỗi tháng Nafoods xuất khẩu khoảng 60 container hàng chế biến và gần chục container hàng giá trị gia tăng. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Nafoods, nhiều sản phẩm giá trị gia tăng của công ty tiêu thụ rất tốt qua kênh online. Điển hình như tại Nga và các thị trường nói tiếng Nga rất chuộng các sản phẩm sấy dẻo của Nafoods, có những tháng công ty xuất khẩu được tới 25 container mặt hàng này. Cùng với đó, việc tiết giảm được rất nhiều chi phí nhờ tái cấu trúc hệ thống quản trị đã giúp công ty duy trì được tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.

Phát triển thị trường mới

Giữa lúc tâm bão Covid-19 đang hoành hành trên thế giới, Vinamilk tạo vệt sáng khi xuất khẩu lô sữa đặc đầu tiên sang Trung Quốc vào cuối tháng 3/2020 – thời điểm quốc gia này vẫn đang áp dụng các biện pháp phòng chống dịch nghiệm ngặt. Chiến lược phát triển xuất khẩu của Vinamilk được "may đo" phù hợp với đặc điểm của từng thị trường, trong trường hợp này là Trung Quốc.

Sữa đặc vốn là sản phẩm truyền thống thế mạnh của Vinamilk. Và đây là một bước đi được tính toán kỹ khi xu hướng tiêu dùng sữa đặc tại Trung Quốc mặc dù vẫn đang trên đà tăng trưởng, song thị trường tỷ dân lại có đến 3 công ty sữa thuộc top 20 của thế giới.

Sản lượng nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc từ các nước đã tăng gần gấp đôi trong 4 năm, từ 2016-2019. Theo ông Võ Trung Hiếu, Giám đốc Kinh doanh Quốc tế Vinamilk, xác định Trung Quốc là thị trường rất triển vọng với dân số đông với nhiều cửa ngõ giao thương nên công ty đã có những kế hoạch phù hợp để phát triển, cũng như tăng gấp đôi sản lượng xuất khẩu sang thị trường 1,4 tỷ dân này trong giai đoạn 2020-2021.

Còn tại Công ty CP Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC Sugar), vùng nguyên liệu hiện đã được mở rộng lên tới gần 64.000 ha tại 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, trong đó diện tích tại Lào và Campuchia được định hướng phát triển nguyên liệu hữu cơ để sản xuất đường organic theo tiêu chuẩn quốc tế.

Mới đây, TTC Sugar đã vượt qua những yêu cầu khó khăn nhất, chính thức xuất khẩu thành công 500 tấn mật rỉ organic đầu tiên sang thị trường Mỹ, nâng tổng số thị trường xuất khẩu của công ty lên 24 quốc gia. Bên cạnh đó, TTC Sugar cũng đang đặt kế hoạch chinh phục hai thị trường khó tính là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trong khi đó, tại Công ty Vina T&T – nhà xuất khẩu trái cây hàng đầu Việt Nam, bên cạnh việc cải tiến khâu bảo quản, chế biến trái cây, đa dạng hóa thị trường, công ty còn đàm phán với nông dân để có biện pháp kỹ thuật điều chỉnh lùi thời vụ ra trái của cây, tránh tình trạng ùn ứ hàng hóa. Đặc biệt, tại thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, chuyên gia kiểm dịch của Mỹ đã về nước từ cuối tháng 3 khiến hoạt động xuất khẩu trái cây rơi vào tình trạng tê liệt. Không chịu đầu hàng hoàn cảnh, Vina T&T đã chủ động đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Đại sứ quán Mỹ để bố trí nhân viên của Văn phòng cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) từ Hà Nội vào TPHCM để giám sát xử lý chiếu xạ. Nhờ sự chủ động đề xuất của Vina T&T, dù chuyên gia kiểm dịch vắng mặt suốt 6 tháng, nhưng hoạt động xuất khẩu trái cây qua Mỹ vẫn được đảm bảo thông suốt. Trong thời gian này, lượng trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ vẫn đạt trên 2.000 tấn.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T chia sẻ, hiện các mặt hàng trái cây xuất khẩu của công ty vẫn được tiêu thụ rất tốt. Điển hình như trái dừa hiện xuất khẩu 4-5 container/tuần, mặt hàng vú sữa cũng được xuất đi bằng đường hàng không với sản lượng 4-5 tấn/tuần. Đặc biệt, công ty đã mở rộng thêm mặt hàng gạo xuất khẩu sang Úc, giúp đa dạng hóa sản phẩm.

Có thể nói nhờ sự chủ động và sớm có những kế hoạch ứng phó với diễn biến dịch Covid-19, nhiều DN đã nhanh chóng xoay chuyển được tình thế và đạt kết quả kinh doanh đáng ghi nhận.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

SHB năm thứ hai liên tiếp được vinh danh Ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất

SHB năm thứ hai liên tiếp được vinh danh Ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất

(HQ Online) - SHB lần thứ hai liên tiếp là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất 2024”. Tín dụng xanh tại SHB 2023 tăng trưởng ấn tượng so với năm 2022, qua đó, khẳng định vị thế là một trong số các ngân hàng TMCP tư nhân tích cực cho vay xanh tại Việt Nam.

Đọc nhiều