Doanh nghiệp Việt Nam luôn có lợi thế “sân nhà” trong cuộc cạnh tranh từ FTA

(HQ Online) - Năm 2020, việc thực thi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã mang lại nhiều kết quả rất tích cực, dù nền kinh tế trong nước đứng trước nhiều thách thức. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, bà Nguyễn Thị Thu Trang (ảnh), Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các cơ quan nhà nước vẫn còn nhiều việc để triển khai thực thi hiệu quả FTA, còn các doanh nghiệp cũng phải tự nỗ lực để cải thiện năng lực cạnh tranh một cách chắc chắn để không thua trên “sân nhà”.
WCO: Thúc đẩy tính cạnh tranh, an toàn và bền vững của các khu vực thương mại tự do
Tận dụng CPTPP: Bứt phá từ các thị trường chưa có FTA
Nhiều cơ hội cho logistics từ các FTA thế hệ mới
bà Nguyễn Thị Thu Trang (ảnh), Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Năm 2020, dưới tác động của đại dịch Covid-19, việc thực thi một số FTA đã có hiệu lực thi hành từ trước đến nay đã có những cơ hội và thách thức nào, thưa bà?

Có lẽ chưa bao giờ thương mại quốc tế đứng trước thách thức lớn như năm 2020 vừa qua. Trong khi xu hướng bảo hộ thương mại từ 2018-2019 tiếp tục leo thang, đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng vượt ngoài tầm kiểm soát, làm gián đoạn đồng thời cả chuỗi sản xuất và dòng chảy thương mại toàn cầu. Là một nền kinh tế mở, với tỷ trọng xuất nhập khẩu gấp 2 lần GDP, Việt Nam chịu tác động rất lớn từ bối cảnh khó khăn này.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh như vậy, kết quả xuất nhập khẩu của Việt Nam 11 tháng đầu năm 2020 có thể xem là rất khả quan. Trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 254,97 tỷ USD, tăng 5,5%, trong khi kim ngạch nhập khẩu là 234,91 tỷ USD, tăng 1,7%, dẫn tới kết quả xuất siêu trên 20 tỷ USD - lớn nhất từ trước tới nay.

Rõ ràng, không có nghi ngờ gì về lợi ích của các FTA với những cơ hội ưu đãi thuế quan cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam với các đối tác FTA, qua đó giúp gia tăng cơ hội cạnh tranh về giá cho những hàng hóa này. Bên cạnh đó là việc giảm bớt các hàng rào phi thuế bất hợp lý, thống nhất và minh bạch hơn về thủ tục, tạo thuận lợi cho dòng chảy thương mại.

Tuy nhiên, thách thức trong tận dụng cơ hội từ các FTA cũng rất nhiều, trong đó đáng kể là những hạn chế trong khả năng nâng tỷ lệ nội địa hóa để đáp ứng quy tắc xuất xứ hưởng ưu đãi của FTA và năng lực thỏa mãn các hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm khắt khe từ các đối tác FTA. Mặc dù vậy, đây là những thách thức tự thân, không phải vì có FTA mới phát sinh hay vì FTA mà trầm trọng hay khắt khe hơn.

Bà đánh giá như thế nào về công tác nâng cao sự hiểu biết để tận dụng các FTA của cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2020?

Nếu phải nói về điểm nổi bật nhất trong nỗ lực tăng cường hiệu quả thực thi các FTA của năm 2020 thì đó chính là công tác truyền thông về cam kết cho các doanh nghiệp. Cụ thể ở đây là việc phổ biến tuyên truyền về FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) - FTA thế hệ mới lớn nhất có hiệu lực trong năm 2020. Theo quan sát của chúng tôi ở VCCI, chưa có FTA nào mà các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp lại có nhiều hoạt động phổ biến tuyên truyền, dưới nhiều hình thức phong phú (các hội thảo, khóa đào tạo, trực tiếp hoặc online, các phóng sự truyền hình, các chuyên đề báo chí...), với các chủ đề chuyên sâu hơn như vậy.

Theo một khảo sát mới đây của VCCI, tỷ lệ doanh nghiệp biết tương đối hoặc biết rõ về các cam kết EVFTA liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình là 30%, cao nhất trong số các FTA (trong khi EVFTA chỉ vừa mới có hiệu lực, còn các FTA khác ít nhất cũng có hiệu lực 1 năm, nhiều thì 10 năm hoặc hơn).

Theo bà, các hoạt động hỗ trợ thực thi FTA của cơ quan nhà nước đã có những thay đổi và nên tiếp tục thay đổi như thế nào?

Theo tôi, 3 vấn đề “sát sườn” mà doanh nghiệp mong chờ ở cơ quan nhà nước trong thực thi FTA là: Nhanh chóng ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn thực thi cam kết; tổ chức thực hiện cam kết trên thực tế và khắc phục linh hoạt các bất cập phát sinh; phổ biến tuyên truyền cam kết để doanh nghiệp có thể hiểu và vận dụng được. Xa hơn là các hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính để giảm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp yên tâm kinh doanh, sáng tạo.

Đối với EVFTA nói riêng và các FTA thực thi trong năm 2020 nói chung, các hoạt động hỗ trợ trực tiếp liên quan tới FTA của các cơ quan Nhà nước đã được cải thiện tương đối so với trước đây. Ví dụ với CPTPP, doanh nghiệp phải đợi 6-7 tháng mới có Biểu thuế xuất khẩu nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định, thì với EVFTA, việc này chỉ còn 2 tháng. Hoặc với CPTPP, những vướng mắc trong vấn đề quy tắc xuất xứ được giải quyết tương đối mất thời gian thì với EVFTA, tốc độ xử lý và giải quyết đã nhanh hơn đáng kể.

Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được cơ hội do chưa nhận được hỗ trợ cần thiết, nên các cơ quan Nhà nước phải có sự hỗ trợ hiệu quả hơn nữa.

Những lo ngại doanh nghiệp Việt Nam có thể “thua trên sân nhà” với các FTA trong thời gian tới liệu có xảy ra hay không, thưa bà?

Xét một cách chặt chẽ thì với các FTA đã có hiệu lực, khả năng doanh nghiệp “thua trên sân nhà” không lớn. Lý do là với ngay cả ATIGA - FTA giữa các nước ASEAN, đã hoàn tất lộ trình mở cửa vào năm 2018, doanh nghiệp cũng có thể cạnh tranh sòng phẳng, không tới nỗi thua như chúng ta lo ngại. Với ACFTA - FTA giữa ASEAN và Trung Quốc, hay VKFTA – FTA giữa Việt Nam với Hàn Quốc, chúng ta mặc dù gặp khó khăn trong giai đoạn đầu nhưng cơ bản cũng vẫn có thể giữ thị phần nhất định trong thị trường nội địa. Còn các FTA khác, như EVFTA với EU, VCFTA với Chile…, cơ cấu hàng hóa bổ sung cho nhau giữa Việt Nam với đối tác cũng giúp giảm thiểu nguy cơ này.

Tuy nhiên, tới đây với RCEP - Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực giữa ASEAN và 5 nước đối tác, trong đó có Trung Quốc, tình hình có thể sẽ khác, nguy cơ “thua trên sân nhà” dường như phức tạp hơn. RCEP tạo thêm một con đường ưu tiên cho hàng hóa các nước này thâm nhập thị trường Việt Nam, mà phần lớn hàng hóa từ các nước này lại tương tự Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt Nam. Nhưng cũng có những lý do để chúng ta không quá bi quan. Chẳng hạn, mức mở cửa trong RCEP của Việt Nam cho các đối tác kém hơn hẳn so với các FTA đang có với họ. Như việc nhập khẩu thì phần lớn là hàng trung gian, phục vụ sản xuất xuất khẩu, không phải để tiêu dùng trong nước.

Mặc dù vậy, cạnh tranh trực diện từ RCEP và cả các FTA trước đây trong thời gian tới là khó tránh khỏi. Doanh nghiệp tất nhiên không có cách nào khác ngoài gia tăng nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh, tận dụng tối đa các cam kết FTA để có nguồn đầu vào giá hợp lý. Tôi tin là doanh nghiệp nội địa luôn có lợi thế “sân nhà” trong cuộc cạnh tranh này. Vấn đề còn lại là hành động của doanh nghiệp để khai thác lợi thế này và nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh một cách chắc chắn và bền vững.

Xin cảm ơn bà!

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

SHB năm thứ hai liên tiếp được vinh danh Ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất

SHB năm thứ hai liên tiếp được vinh danh Ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất

(HQ Online) - SHB lần thứ hai liên tiếp là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất 2024”. Tín dụng xanh tại SHB 2023 tăng trưởng ấn tượng so với năm 2022, qua đó, khẳng định vị thế là một trong số các ngân hàng TMCP tư nhân tích cực cho vay xanh tại Việt Nam.
Techcombank thông qua mục tiêu lợi nhuận 27.100 tỷ đồng, tăng gấp đôi vốn điều lệ

Techcombank thông qua mục tiêu lợi nhuận 27.100 tỷ đồng, tăng gấp đôi vốn điều lệ

(HQ Online) - Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vào ngày 20/4, Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh cho biết, Techcombank cũng đang xem xét tìm kiếm nhà đầu tư, đối tác chiến lược để tìm cơ hội gia tăng lợi ích cho cổ đông.
Cảng Chu Lai: Kết nối nông sản Việt ra thị trường thế giới

Cảng Chu Lai: Kết nối nông sản Việt ra thị trường thế giới

Với mục tiêu đưa cảng Chu Lai trở thành trung tâm kết nối logistics, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản trong nước, Công ty Giao nhận Vận chuyển Quốc tế Trường Hải (THILOGI) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kết nối hoạt động giao nhận vận chuyển đường bộ - cảng biển - đường biển, tối ưu hóa chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản.

Đọc nhiều