Hàng giả "đánh cắp" thị phần của doanh nghiệp làm ăn chân chính

(HQ Online) - Việc đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng lậu dù được triển khai quyết liệt nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn cần sự đồng lòng của doanh nghiệp, người tiêu dùng, cơ quan chức năng để giải quyết triệt để.
Quy định rõ trách nhiệm người tiêu dùng khi sử dụng hàng giả, hàng nhái
Nhiều doanh nghiệp cố tình cung cấp hàng nhái, hàng giả trên không gian mạng
Tập trung chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cuối năm

Đây là nhận định của các chuyên gia và doanh nghiệp tại Tọa đàm "Chống buôn lậu và gian lận thương mại: Công tác phối hợp và chế tài xử phạt" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 29/11.

ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: H.Dịu
Ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: H.Dịu

Thiệt hại cho doanh nghiệp chân chính

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, trong những năm trở lại đây, Việt Nam trở thành điểm đến, là thị trường hấp dẫn cho các loại thương hiệu, sản phẩm và hàng hoá trong và ngoài nước. Tuy nhiên, điều này cũng khiến Việt Nam đang phải đối diện với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra hết sức phức tạp cả về quy mô lẫn tính chất, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước, gây thất thu ngân sách, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp làm ăn chân chính và gây hoang mang, mất lòng tin đối với người tiêu dùng.

Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, số vụ chống buôn lậu qua biên giới đến nay giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, buôn lậu hàng giả ở trong nước vẫn diễn ra rất phức tạp.

Đến nay, Cục Điều tra chống buôn lậu đã bắt và xử lý 14.700 vụ vi phạm, tổng trị giá là hơn 5.100 tỷ đồng, xử phạt và nộp ngân sách nhà nước 334 tỷ đồng, khởi tố 36 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố là 112 vụ.

Về thủ đoạn buôn lậu hàng giả, gian lận thương mại, ông Nguyễn Văn Hoàn chỉ rõ, doanh nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi và thông thoáng của Chính phủ, nhất là trong giai đoạn sau dịch Covid-19 đi sâu và len lỏi vào nội địa với nhiều thủ đoạn mới. Đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, nhập hàng hoá giấu tên qua đường chuyển phát nhanh, đường hàng không; nhập nguyên liệu kinh doanh sản xuất và chuyển tiêu thụ nội địa, gây thất thu thuế nhà nước. Hay tình trạng nhập gia công, thay thế nhãn mác, làm giả xuất xứ rồi xuất đi nước thứ 3 ảnh hưởng đến thương hiệu Việt và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đối mặt với tình trạng này, các doanh nghiệp làm ăn chân chính gặp nhiều khó khăn, thậm chí dẫn đến phá sản.

Ông Nguyễn Văn Hoàn còn dẫn chứng về việc khởi tố hơn 10 vụ hạt điều trong nước trong năm nay, cơ quan chức năng đã xử lý các doanh nghiệp lợi dụng chế độ thông thoáng để nhập khẩu, đưa tiêu thụ nội địa, trốn thuế rất lớn.

Ngoài ra, Cục Điều tra chống buôn lậu đã xử lý các đối tượng lợi dụng việc hợp tác để cấp C/O giả cho doanh nghiệp. Hiện nay, có khoảng 500 doanh nghiệp cấp C/O giả, ảnh hưởng đến thương hiệu hàng hoá trên thị trường, trực tiếp đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

“Đây là vấn đề rất nhức nhối, trong Quy chế xử lý hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ theo Nghị định 99/2013/NĐ-CP đối với hàng hoá xuất khẩu, cơ quan chức năng phát hiện thì không có chế tài xử lý, chỉ buộc tái xuất. Quy định này gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong quá trình xử lý”, ông Nguyễn Văn Hoàn nhấn mạnh.

Cần đồng lòng và phối hợp

Do vậy, để hạn chế và ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, thời gian qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã có những chỉ đạo, định hướng cụ thể, các đơn vị thực thi pháp luật vào cuộc quyết liệt, kịp thời nên tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Trong đó, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết sẽ tiếp tục phối hợp tốt với các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) thực hiện tốt công tác quản lý xuất nhập khẩu, ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn lậu và vi phạm sở hữu trí tuệ để người dân được tiêu dùng sản phẩm tốt, chất lượng, nhất là trong tháng cuối năm và tết Nguyên đán sắp tới.

Còn theo ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, việc đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu là rất khó khăn, nếu doanh nghiệp, người tiêu dùng, các tổ chức quốc, cơ quan chức năng không thống nhất, đồng lòng phối hợp thì việc đấu tranh còn nhiều khó khăn.

Về phía doanh nghiệp, ông Adrian Clarke, Quản lý Đối ngoại Công ty JTI Việt Nam cho rằng, hàng giả, hàng nhái gây tổn hại cho người tiêu dùng và ”đánh cắp” thị phần của các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp. Do đó, cần có hình thức tuyên truyền, giáo dục cho người tiêu dùng về hệ luỵ với hàng nhái hàng giả với chính sức khoẻ của họ. Cũng như tác động tiêu cực tới hệ thống bán lẻ của các doanh nghiệp cũng như chính các nhà sản xuất chân chính.

Còn ông Dương Đức Duy, Trưởng ban quản lý dự án Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông đề xuất cần cần bổ sung hình phạt nặng để răn đe với các đối tượng vi phạm, hiện nay cơ chế xử phạt hành chính theo giá trị sản phẩm còn nhẹ, chưa đủ răn đe. Hơn nữa, vị này cũng kiến nghị cần hình thành cơ chế quản lý giám sát đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp một cách minh bạch, an toàn, có chế tài rõ ràng đối với hàng hóa trên sàn thương mại điện tử.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Viettel mở rộng kinh doanh sản phẩm quốc phòng – công nghệ cao tại Malaysia

Viettel mở rộng kinh doanh sản phẩm quốc phòng – công nghệ cao tại Malaysia

(HQ Online) - Tại Lễ Khai mạc Triển lãm Quốc phòng, An ninh Châu Á (DSA & NATSEC) diễn ra ngày 06/05/2024 tại Kuala Lumpur (Malaysia), đại diện của Viettel Group là Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech) đã ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược với các công ty hàng đầu tại Malaysia.

Đọc nhiều