Hà Nội cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trong phát triển công nghiệp hỗ trợ
Tín hiệu tích cực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Chuẩn bị cơ sở hạ tầng, mặt bằng cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội Đồng bộ cho mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ |
Các đại biểu tham quan, nghe giới thiệu về Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội – HANSSIP. |
Tạo điều kiện thuận lợi cho các bên cùng phát triển
Ngày 20/2, về thăm và làm việc tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội – HANSSIP (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội), Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã nêu rõ, Thủ đô Hà Nội đang tập trung kêu gọi đầu tư nước ngoài, trong đó chú trọng hợp tác với các đối tác từ Nhật Bản.
Vì thế, với các khu công nghiệp, nhất là các khu công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp hỗ trợ thì Thành phố đã giao cho các đơn vị liên quan cải cách thủ tục hành chính, với tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư nhanh nhất, thực tế là Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã xem xét giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp trong vòng 24 giờ.
Nói riêng về Khu công nghiệp HANSSIP, ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Thành phố cũng đã có chính sách thúc đẩy doanh nghiệp tham gia đầu tư, đồng thời sẽ tham mưu để sớm hoàn thiện, đưa Khu công nghiệp vào vận hành.
Cũng tại buổi làm việc, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội đã nêu một số kiến nghị như hỗ trợ hình thành và phát triển Tổ hợp Techno Park Việt Nam – Nhật Bản, sản xuất các sản phẩm linh kiện công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ trong ngành hàng không vũ trụ, bên trong khu công nghiệp HANSSIP do các doanh nghiệp vùng Kobe (Nhật Bản) đầu tư sản xuất và hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội cùng tham gia sản xuất chuỗi sản xuất Nhật Bản và toàn cầu.
Cùng với đó là kiến nghị về đơn giản hóa và đồng bộ các thủ tục hành chính như hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh, giấy phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy, giấy phép môi trường, đặc biệt là cấp chứng chỉ sản phẩm công nghiệp hỗ trợ…
Các doanh nghiệp cũng mong muốn có hướng dẫn cụ thể, cơ chế đặc thù về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ đã qua sử dụng và đang sử dụng tốt tại Nhật Bản hoặc nước thứ 3 về Việt Nam… cùng các chính sách ưu đãi về thuế, vốn, lao động, liên kết doanh nghiệp…
Với những kiến nghị nêu trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định sẽ tiếp thu và ghi nhận, đồng thời sẽ tổng hợp để tháo gỡ những vấn đề liên quan như về điều chỉnh quy hoạch cục bộ, cấp giấy phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy… giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư được hoạt động thuận lợi tại Khu công nghiệp HANSSIP. Ông Nguyễn Mạnh Quyền cũng nhấn mạnh sẽ giao Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tổng hợp, trực tiếp họp với các doanh nghiệp và các cơ quan liên quan để tháo gỡ vướng mắc.
“TP Hà Nội cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp Hà Nội nói riêng, các doanh nghiệp nước ngoài nói chung. Thành phố cũng cam kết hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các bên”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nói.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại lễ ký kết. |
Khởi phát cho những kết nối, hợp tác
Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo cơ quan trung ương và TP Hà Nội đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác đầu tư sản xuất và hình thành Tổ hợp Techno Park Việt Nam – Nhật Bản về lĩnh vực hàng không – vũ trụ tại Khu công nghiệp HANSSIP giữa Hiệp hội các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA), Tập đoàn N&G và 10 doanh nghiệp hội viên thuộc Mạng lưới ngành hàng không vùng Kobe (KAN).
Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch HANSIBA và Chủ tịch HĐQT Tập đoàn N&G khẳng định, các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam có đủ tiềm lực, kinh nghiệm, lao động, hạ tầng để cùng nhau hợp tác sản xuất, tham gia chuỗi sản xuất Nhật Bản và toàn cầu. Trong đó, các doanh nghiệp thuộc KAN và Nhật Bản đầu tư tại Khu công nghiệp HANSSIP sẽ được đáp ứng đầy đủ hạ tầng tiện ích với hệ sinh thái công nghiệp chuẩn mực quốc tế cùng nhiều chính sách ưu đãi.
Về phía các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Onaga Masaru, Chủ tịch Công ty Cổ phần ONAGA - đã có nhà máy tại HANSSIP và dự kiến hoàn thiện, đi vào hoạt động giai đoạn 1 trong quý 2/2024 - chia sẻ, Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, nhiều tiềm năng về thị trường và lao động để doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư và phát triển.
Vì thế, vị này đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa 2 bên, trong đó, các doanh nghiệp Nhật Bản không chỉ đầu tư, hợp tác mà còn hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, giúp đỡ doanh nghiệp Việt Nam cùng phát triển, nhất là về lĩnh vực công nghệ cao hàng không, vũ trụ… để cùng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đều kỳ vọng việc hình thành Tổ hợp Techno Park Việt Nam - Nhật Bản tại Khu công nghiệp HANSSIP sẽ là điểm khởi phát cho những hợp tác, kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản và các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Ý kiến bạn đọc