Bất ổn địa chính trị đe dọa sự tăng trưởng phát triển của ngành Logistics

(HQ Online) - Theo báo cáo Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2024 được Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố ngày 29/11/2024, năm 2024, ngành Logistics Việt Nam đã có sự phục hồi đáng kể so với năm 2023. Tuy nhiên, những bất ổn địa chính trị tiếp tục gia tăng được nhận định sẽ đe dọa sự phát triển ổn định của ngành này.

Phục hồi trong khó khăn

Có thể nói năm 2023 là một năm đầy thử thách đối ngành Logistics – huyết mạch của nền kinh tế, trong đó có ngành Logistics của Việt Nam.

Lạm phát toàn cầu duy trì ở mức cao, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm mạnh tại nhiều thị trường lớn, khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ và châu Âu, cũng như căng thẳng địa chính trị leo thang ở nhiều khu vực như Nga - Ukraine và Biển Đông đã làm suy yếu động lực tăng trưởng.

Đặc biệt, kinh tế Trung Quốc – một trong những trung tâm sản xuất và thương mại lớn nhất thế giới phục hồi chậm chạp hậu Covid-19 đã gây ảnh hưởng đáng kể đến chuỗi cung ứng.

Bất ổn địa chính trị đe dọa sự tăng trưởng phát triển của ngành Logistics

Biến động doanh thu, chi phí, lợi nhuận của doanh nghiệp Logistics 9 tháng đầu năm 2023-2024

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 chỉ đạt 3,3%, tiếp tục giảm so với năm 2022.

Trong bối cảnh đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt khoảng 5,05%, thấp hơn so với mục tiêu 6,5% đề ra. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm 2022.

Với vai trò kết nối giữa sản xuất, thương mại và tiêu dùng, ngành logistics Việt Nam đã chịu tác động trực tiếp từ các yếu tố trên khi xuất nhập khẩu giảm sút, nhu cầu vận tải và các dịch vụ hậu cần như kho bãi, bốc dỡ và giao nhận hàng hóa ít đi.

Để tồn tại, nhiều doanh nghiệp Logistics phải giảm giá cước vận chuyển trong khi chi phí nhiên liệu và nhân công tăng cao.

Theo khảo sát của Vietnam Report, trong năm 2023, phần lớn các doanh nghiệp Logistics đều ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm. Đáng chú ý, trong số 66,7% số doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận, có tới 40,0% số doanh nghiệp cho biết có mức sụt giảm đáng kể.

Tuy nhiên, bước sang năm 2024, nhờ xuất khẩu tăng trưởng và các yếu tố hỗ trợ từ Chính phủ cũng như sự cải thiện về chuỗi cung ứng toàn cầu, các chỉ số của ngành Logistics Việt Nam đã có những cải thiện rõ rệt.

Theo khảo sát của Vietnam Report, nếu như năm 2023, có 33,3% doanh nghiệp được hỏi giảm đáng kể doanh thu thì năm 2024, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 11,8% trong khi số kinh doanh khởi sắc tăng 52,9%, đồng thời, số doanh nghiệp Logistics bị áp lực chi phí chỉ còn 17,6%.

Bên cạnh đó, có tới 82,3% doanh nghiệp dự báo lợi nhuận tăng, trong đó có 58,8% tăng lên đáng kể, và số giảm đã giảm từ 66,7% xuống còn 5,9%.

Bất ổn vẫn còn

Với kết quả đạt được trong năm 2024, cộng đồng doanh nghiệp Logistics tiếp tục lạc quan về triển vọng năm 2025 khi có 64,7% doanh nghiệp nhận định tình hình sẽ khả quan hơn một chút và 17,6% đánh giá rất khả quan, chỉ có 5,9% dự báo khó khăn hơn rất nhiều.

Bất ổn địa chính trị đe dọa sự tăng trưởng phát triển của ngành Logistics

Top 5 khó khăn doanh nghiệp Logistics đang phải đối mặt

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, 5 khó khăn lớn nhất trong năm 2024 do các doanh nghiệp chỉ ra gồm: bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới (82,4%), cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành (76,5%), kinh tế thế giới tăng trưởng chậm (58,8%), rào cản pháp lý và thủ tục hành chính (45,3%), lao động không đáp ứng được về số lượng/chất lượng (35,3%) vẫn là thách thức lớn trong năm 2025.

Trong đó, các xung đột địa chính trị như chiến tranh Nga-Ukraine, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, hay chính sách bảo hộ kinh tế từ các nền kinh tế lớn,… vẫn đang là trở ngại lớn nhất và chưa có dấu hiệu được cải thiện.

Bên cạnh đó, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp Logistics là rào cản lớn thứ hai. Hiện Việt Nam có hơn 30.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực Logistics, trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm 89%, còn 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Tuy nhiên, 70-80% thị phần Logistics trong nước lại do các công ty nước ngoài nắm giữ, còn lại phần nhỏ chia cho do các doanh nghiệp trong nước.

Nguyên nhân là do các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng Logistics.

Để cải thiện năng lực, theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, các doanh nghiệp Logistics cần ưu tiên tối ưu chi phí vận hành, nâng cao năng suất, phát triển nhân lực và đa dạng hóa thị trường.

Trong dài hạn, các doanh nghiệp cần có định hướng thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh thực hành ESG, phát triển bền vững, logistics xanh.

Đặc biệt, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp không thể thiếu sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ và Nhà nước về đầu tư hạ tầng giao thông, viễn thông và công nghệ thông tin; có thêm những chính sách thúc đẩy ngành dịch vụ logistic phát triển; đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục hải quan; cắt giảm các khoản phí, lệ phí sử dụng hạ tầng; nâng cao năng lực cho các cụm cảng hàng không, cảng biển, và cửa khẩu biên giới.

Với những gì đã đạt được, kỳ vọng năm 2025, ngành Logistics Việt Nam không chỉ khắc phục các bất cập hiện tại mà còn hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm Logistics hàng đầu khu vực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong giai đoạn hội nhập sâu rộng.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

BAC A BANK khai xuân với ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng doanh nghiệp

BAC A BANK khai xuân với ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng doanh nghiệp

(HQ Online) - Đón chào Tết Ất Tỵ 2025, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) dành tặng Khách hàng doanh nghiệp (KHDN) mức lãi suất hấp dẫn trong khuôn khổ Chương trình "Vui đón Xuân sang - Rộn ràng ưu đãi”, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động phục vụ đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tân Hiệp Phát mang Xuân yêu thương đến với trẻ em tỉnh Bình Dương

Tân Hiệp Phát mang Xuân yêu thương đến với trẻ em tỉnh Bình Dương

(HQ Online) - Trong chương trình “Xuân với trẻ em khó khăn” lần thứ XVIII năm 2025, hơn 80 doanh nghiệp trong đó có Công ty Tân Hiệp Phát đã đồng hành cùng Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Bình Dương trao những phần quà ý nghĩa, mang xuân yêu thương đến với hàng ngàn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Đọc nhiều