Đội tàu biển Việt Nam mạnh mẽ vươn ra thị trường quốc tế

(HQ Online) - Các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam đang đẩy mạnh tiến ra thị trường quốc tế thông qua hàng loạt các kế hoạch đầu tư thêm tàu mới có trọng tải lớn, đáp ứng các yêu cầu cao của khách hàng quốc tế.
Lợi nhuận khả quan, doanh nghiệp vận tải biển tăng đầu tư cho đội tàu
Cước phí logistics sẽ còn tăng tới khi nào?
Tàu PVT Dawn vừa được PVTrans tiếp nhận hồi đầu năm, khai thác trên thị trường quốc tế tại khu vực Trung Đông- Bắc Á. Ảnh:ST
Tàu PVT Dawn vừa được PVTrans tiếp nhận hồi đầu năm, khai thác trên thị trường quốc tế tại khu vực Trung Đông- Bắc Á. Ảnh:ST

Nâng cấp đội tàu

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến tháng 12/2020, đội tàu biển Việt Nam có 1.516 tàu (trong đó tàu vận tải là 1.049 tàu) với tổng dung tích 5,7 triệu GT và tổng trọng tải khoảng 9,3 triệu DWT. Với số lượng trên, đội tàu Việt Nam đang đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới. Tuổi tàu bình quân là 15,5 tuổi, trẻ hơn 5,8 tuổi so với thế giới (tuổi tàu bình quân của thế giới là 21,3 tuổi).

Hiện các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam đang đẩy mạnh nâng cấp đội tàu với hàng loạt các kế hoạch đầu tư đã và đang được triển khai. Điển hình như Công ty CP Vận tải và xếp dỡ Hải An vừa thông qua kế hoạch đầu tư đội tàu container đầy tham vọng trong giai đoạn 2021 – 2024. Tổng cộng, doanh nghiệp này có kế hoạch đầu tư thêm 3 - 4 tàu mới với tổng trọng tải khoảng 6.000 TEU, bổ sung thêm 55% trọng tải của đội tàu hiện tại. Trong đó có 1-2 tàu đóng mới có trọng tải 1.800 TEU theo mẫu “SDARI Bangkok Max IV”, dự kiến sẽ bàn giao trong năm 2023 - 2024. Hải An cũng sẽ mua 2 tàu cũ trọng tải 1.000 - 1.500 TEU. Hai tàu này sẽ được sử dụng cho các tuyến nội địa ngắn (Miền Trung/Cái Mép đến TP.HCM) hoặc các chặng nội Á (Hải Phòng đến Hồng Kông/Miền Nam Trung Quốc).

Trước đó, HĐQT Hải An cũng đã phê duyệt phương án đóng mới tàu container tải trọng 1.800 TEU tại Trung Quốc sau khi vừa tiếp nhận 2 tàu mới là Haian East và Haian West vào hồi đầu năm nay. Hiện đội tàu của Hải An gồm 8 tàu có tổng sức chứa 11.000 TEU.

Những kế hoạch tương tự cũng đang được nhiều doanh nghiệp vận tải biển khác tích cực triển khai. Cụ thể, Gas Shipping đang triển khai phương án phát hành 20 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, giúp vốn điều lệ dự kiến tăng từ 360 tỷ đồng lên 560 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động để đầu tư 2 tàu dầu, hóa chất trọng tải 20.000 DWT. Doanh nghiệp dự kiến hoàn tất đợt phát hành trong tháng 9.

PVTrans cũng vừa tiếp nhận tàu NV Aquamarine vào đầu tháng 7/2021 thông qua đơn vị thành viên. Đây là loại tàu chở khí hoá lỏng lạnh lớn nhất thế giới, với dung tích chở hàng 81.605 cbm (m3). Vào đầu năm, doanh nghiệp này cũng thông qua công ty thành viên tiếp nhận tàu PVT Azura trọng tải 19.945 DWT và PVT Dawn.

Theo SSI Research, PVTrans đã chi tổng cộng 1.400 tỷ đồng cho việc mua mới 3 tàu trên. Cùng với việc mua mới tàu, PVTrans cũng liên tục thanh lý các tàu cũ để trẻ hóa, gia tăng năng lực đội tàu.

Vosco cũng đã triển khai bán các tàu có tuổi đời cao, kém hiệu quả, đồng thời tích cực tìm kiếm và thuê tàu bên ngoài để tăng năng lục vận chuyển, sản lượng, doanh thu và hiệu quả của công ty. Tính đến cuối năm 2020, đội tàu của Vosco có 12 chiếc với tổng trọng tại 405.112 DWT gồm 8 tàu hàng khô, hàng rời, 2 tàu dầu sản phẩm và 2 tàu container.

Ngoài ra, Vosco cũng có thuê định hạn một số tàu nên số lượng khai thác thường xuyên khoảng 12-14 tàu. Mới đây, HĐQT Vosco đã thông qua việc thuê tài Vinalines Galaxy của công ty mẹ là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Tiến ra thị trường quốc tế

Cùng với việc trẻ hóa và nâng cấp đội tàu, các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh chiến lược tiến ra thị trường quốc tế. Hiện tại, một nửa đội tàu của Hải An đã tiến ra thị trường quốc tế (2 tuyến châu Á đến Hồng Kông và Singapore và 2 tàu khác theo hợp đồng thuê tàu định hạn).

Trong tháng 8, Gas Shipping đã triển khai các bước để đầu tư tàu dầu, hóa chất trọng tải khoảng 20.000 DWT số 1, dự kiến nhận tàu vào đầu tháng 9, sẵn sàng cho việc khai thác ngay tàu tại thị trường châu Mỹ.

Đội tàu hiện tại của Gas Shipping gồm 6 tàu với tổng trọng tải 18.000 DWT, chủ yếu hoạt động tuyến Đông Nam Á – Nam Trung Quốc và nội địa (từ nhà máy lọc dầu Dung Quất, kho cảng Thị Vải đến các địa phương), chuyên chở khí hóa lỏng (LPG).

Hiện PVTrans cũng đang tiếp tục mở rộng ra thị trường quốc tế với nhiều phân khúc tàu từ tàu dầu thô VLCC, Aframax, tàu vận chuyển hóa chất, xăng dầu, tàu vận chuyển VLGC, LPG và các tàu vận chuyển hàng rời cỡ Supramax… Theo PVTrans, 80% đội tàu của PVTrans đang hoạt động tại nhiều khu vực trên thế giới nên PVTrans bắt đầu tham gia vào các thị trường vận tải có tiêu chuẩn cao như châu Âu, Bắc Mỹ...

Trong thời gian tới, PVTrans chủ trương đầu tư và nâng cao năng lực đội tàu chở Gas với các tàu VLGC size lớn và tàu chở hóa chất, tàu chở dầu thô cỡ VLCC tại thị trường quốc tế.

Vosco cũng định hướng đưa thêm tàu khai thác tại những thị trường có đòi hỏi cao nhưng có hiệu quả cao hơn như tại Atlantic, Nhật Bản, châu Âu, Úc…

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

SHB tối ưu phương thức xác thực cho khách hàng doanh nghiệp trên Internet Banking

SHB tối ưu phương thức xác thực cho khách hàng doanh nghiệp trên Internet Banking

(HQ Online) - Với mong muốn tăng cường tính an toàn bảo mật giao dịch cho khách hàng và tuân thủ quy định của pháp luật, từ ngày 15/05/2024, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) tiến hành điều chỉnh, tối ưu phương thức xác thực giao dịch hiện có cho doanh nghiệp khi sử dụng SHB Corporate Online.

Đọc nhiều