Doanh nghiệp kiến nghị Hà Nội đẩy nhanh giải ngân các gói hỗ trợ

(HQ Online) - Sáng 6/11, UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19”. Phát biểu tại hội nghị Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, với phương châm lấy doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ, TP Hà Nội đã và đang tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn, giải quyết các điểm nghẽn để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững.
Hà Nội xử lý đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp FDI
Mở cửa trở lại, doanh nghiệp Hà Nội hứng khởi “bắt nhịp" sản xuất
Cục Thuế Hà Nội hỗ trợ, “tiếp sức” cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh
Gần 150 nghìn doanh nghiệp tại Hà Nội đã đăng ký phát hành hoá đơn điện tử

Đã miễn, giảm, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho hơn 38.000 doanh nghiệp

Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội. Theo đó, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, một số chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ bị gián đoạn; việc giao thương hàng hóa, đi lại của các doanh nhân, các chuyên gia, người lao động cũng gặp nhiều khó khăn và bị xáo trộn...

Đồng hành và chia sẻ trước những khó khăn của doanh nghiệp, với phương châm “sức khỏe của doanh nghiệp là sức khỏe của nền kinh tế”, chính quyền TP đã và đang nỗ lực hết mình, thực hiện đồng bộ các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh sớm nhất và nhanh nhất; tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

TP đã thực hiện việc miễn, giảm, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho trên 38.000 lượt doanh nghiệp, người nộp thuế, với tổng số tiền đã thực hiện là 22.600 tỷ đồng; ban hành và thực hiện Kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch Covid-19, với 6 nhóm giải pháp...

Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, mặc dù các doanh nghiệp nhỏ và vừa TP luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất của Chính phủ và TP Hà Nội trong giai đoạn dịch bệnh. Song, phần lớn các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, vì vậy các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, TP Hà Nội tiếp tục có các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

“Thời gian tới, chúng tôi mong Chính phủ xây dựng các chính sách có tính chất dài hơi để hỗ trợ doanh nghiệp như giảm, giãn, gia hạn thuế, giảm lãi suất, giảm các chi phí sản xuất, kinh doanh; các chính sách phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong nước, hình thành các chuỗi liên kết Việt”, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh kiến nghị.

Các doanh nghiệp tại Hà Nội đều đang đốc thúc sản xuất trở lại để kịp tiến độ. Hình ảnh sản xuất tại Tổng công ty May 10: H.Dịu
Các doanh nghiệp tại Hà Nội đều đang đốc thúc sản xuất trở lại để kịp tiến độ. (Hình ảnh sản xuất tại Tổng công ty May 10). Ảnh: H.Dịu.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin

Đại diện cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội cho biết, các sản phẩm công nghiệp chủ lực là một trong các lĩnh vực trọng yếu của kinh tế Thủ đô. Mỗi năm, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực đạt doanh thu gần 200.000 tỷ đồng, chiếm gần 35% tổng giá trị sản xuất công nghiệp Hà Nội; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2 tỷ USD; với 80.000 lao động. Năm 2021, 77 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội đã nộp thuế 8.000 tỷ đồng.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, ông Lê Vĩnh Sơn kiến nghị TP Hà Nội nhanh chóng có ngay các giải pháp cụ thể hoá Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid 19”. Đồng thời, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm và nâng tỷ lệ bao phủ vắc xin đối với các doanh nghiệp; có các hướng dẫn cụ thể hơn về y tế tại chỗ, nhất là hướng dẫn cách ly y tế khi phát hiện có các ca F0, F1, tránh tình trạng bị đóng cửa toàn bộ nhà máy…

Bên cạnh đó, thu xếp, bố trí nguồn lực để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất thông qua các chính sách tài chính, tài khóa như việc miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, giãn nợ, xóa nợ, cơ cấu lại nguồn vay, giãn nộp tiền Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, kinh phí Công đoàn, rút ngắn thời gian đóng Bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu xuống 15 năm, tiến tới xuống 10 năm…

Ngoài ra, ông Lê Vĩnh Sơn cũng đề xuất TP đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cần có những giải pháp quyết liệt hơn trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa các cơ hội do các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà nước ta đã tham gia mang lại. Ngoài ra, khi xét duyệt sản phẩm công nghiệp chủ lực, cần đề cao tiêu chí về công nghệ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới và áp dụng các công nghệ 4.0.

Là doanh nghiệp có số lượng lao động lớn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt kiến nghị Bộ Y tế hướng dẫn doanh nghiệp có y tế cơ sở trong điều trị F0 để không ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp, không phong tỏa cả nhà máy. Bên cạnh đó, thực hiện miễn giảm thuế sử dụng đất cho y tế cơ sở vì thực tế y tế cơ sở đã phát huy hiệu quả trong khám chữa bệnh nghề nghiệp tại doanh nghiệp. Ngoài ra, trong quá trình phục hồi, chuyển đổi số, Hà Nội có chính sách đặc thù trong chuyển đổi số, phục hồi kinh tế, ưu tiên đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều