Doanh nghiệp khát vốn để duy trì mặt bằng giá

(HQ Online) - Ngày 18/6, tại chương trình Cafe Doanh nhân với chủ đề: “Giải pháp vốn cho doanh nghiệp giai đoạn phục hồi kinh tế” do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM tổ chức, các chuyên gia nhận định các doanh nghiệp đang cần vốn để khôi phục sản xuất kinh doanh.
Chủ động nguồn vốn cho phục hồi sản xuất, kinh doanh
NHNN vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho  vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi. Ảnh: ST
Ngân hàng không phải là kênh huy động vốn duy nhất cho doanh nghiệp phục hồi. Ảnh: ST

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, chi phí nguyên vật liệu, mặt bằng đều tăng khiến nhu cầu vốn đối với doanh nghiệp rất lớn để hồi phục các chuỗi cung ứng, sửa sang nhà xưởng, đổi mới máy móc… Chính phủ đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho vay 2% áp dụng cho những khoản vay mới. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, để tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất 2% từ ngân hàng vô cùng khó.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP HCM, cho biết các doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm đang phải ứng phó với "bão giá" khi đầu vào nguyên liệu tăng mạnh. Tất cả nguồn chi phí nguyên phụ liệu ngoại nhập tăng từ 20-30%; trong nước giá xăng dầu cao kỷ lục. Sau dịch Covid-19, chi phí đầu vào tăng nếu các doanh nghiệp áp vào giá thành sản phẩm chắc chắn sẽ đẩy giá bán sản phẩm lên cao. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp đang khát vốn để duy trì mặt bằng giá. Nếu như trước đây chỉ cần khoảng 100 tỉ đồng để dự trữ nguyên vật liệu, giờ chi phí tăng đẩy tiền dự trữ thêm 50% là cần 150 tỉ đồng.

Mặt khác, theo bà Lý Kim Chi, hiện nhiều đối tác nước ngoài đặt đơn hàng xuất khẩu nhưng doanh nghiệp không dám nhận vì chi phí đầu vào biến động quá nhanh, trong khi đơn giá xuất khẩu không tăng, doanh nghiệp thiếu vốn để mua dự trữ nguyên liệu. Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị ngành ngân hàng nghiên cứu đẩy nhanh chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ gói ngân sách 40.000 tỷ đồng để doanh nghiệp sớm tiếp cận được, có vốn cho sản xuất, kinh doanh và phục hồi.

Trình bày tại chương trình, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, vốn là yếu tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Hiện có ít nhất 6 dòng vốn mà doanh nghiệp có thể tiếp cận. Đó là dòng vốn từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn từ đối tác, vốn tài trợ từ chuỗi cung ứng, cho thuê tài chính, các quỹ đầu tư, vốn tự có.

Thế nhưng, theo TS Cấn Văn Lực, lâu nay doanh nghiệp thiếu vốn cứ nghĩ đến ngân hàng, điều này đúng nhưng không đủ, đúng nhưng không trúng. Bởi ngân hàng không phải là kênh huy động vốn duy nhất mà chỉ chiếm 47% còn lại là các kênh khác.

Do đó, doanh nghiệp cần tận dụng các nguồn vốn như nguồn tài trợ từ chương trình phục hồi 2022-2023, các doanh nghiệp trong những lĩnh vực khó đáp ứng điều kiện tín dụng ngân hàng cần tính đến đến thuê tài chính, nguồn tài trợ chuỗi cung ứng…

Song song đó, doanh nghiệp cần minh bạch hoạt động và báo cáo tài chính. Thể hiện thiện chí hợp tác, phối hợp với tổ chức tín dụng trong cung cấp thông tin, cơ cấu lại nợ và xây dựng phương án kinh doanh. Đối với các tổ chức tín dụng cần có các gói tín dụng hay tham gia các chương trình "tài chính xanh", huy động vốn từ nước ngoài như phát hành trái phiếu, vay vốn…

Chia sẻ về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, thời gian qua, chính quyền TPHCM và các ngành, các quận huyện đã tập trung nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chính quyền và doanh nghiệp TPHCM cùng thi đua để mở cửa, phục hồi, phát triển và "lấy lại những gì đã mất". Song vẫn còn nhiều vướng mắc.

Theo đó, TPHCM sẽ có những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, đầu tư công nghệ để gia tăng năng suất, giảm thâm dụng lao động. Đưa chuyển đổi số vào để tạo động lực tăng trưởng. Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng chuyển đổi số, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin tham gia vào chuyển đổi số.

Liên quan năng lực hấp thụ vốn của các doanh nghiệp tại TPHCM còn chậm, ông Phan Văn Mãi cho hay, TPHCM cũng sẽ tập trung gỡ thật nhanh những vướng mắc về thủ tục của các dự án để đưa đồng vốn lưu thông vào trong hoạt động sản xuất.

TPHCM cũng sẽ tiếp thu ý kiến, hiến kế từ cộng đồng doanh nghiệp vào trong quá trình xây dựng chính sách, quá trình điều hành triển khai của lãnh đạo TPHCM thông qua việc tham gia các cuộc họp quý, tháng, chuyên đề…

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc

Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc

(HQ Online) - Ngày 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

Đọc nhiều